Kết quả bước đầu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp Hậu Giang

         Hậu Giang có hơn 136.000 ha đất nông nghiệp, chiếm gần 87% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó, khoảng 77.000 ha sản xuất lúa, trên 44.000 ha trồng cây ăn trái. Tổng đàn gia súc gần 150 ngàn con, gia cầm khoảng 4,5 triệu con. Diện tích nuôi thủy sản gần 9.000 ha, sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm.

         Là một tỉnh nông nghiệp, những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ phát triển nông nghiệp, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất. Đây là xu thế tất yếu để thúc đẩy chuyển dch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực hiện tại và lâu dài.  

         Đến nay, nông nghiệp của tỉnh đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực, như: Xây dựng và đưa vào vận hành Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” giúp “khơi thông” đầu ra cho nông sản Hậu Giang vươn xa. Triển khai thí điểm Autotimelapse trong truy xuất nguồn gốc nông sản - Autotimelapse là bộ giải pháp quản lý thông minh, thông qua các đoạn video ngắn thể hiện tất cả các giai đoạn phát triển của cây trồng, vật nuôi bằng hình ảnh và hiện thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi môi trường. Triển khai ứng dụng bẫy đèn thông minh để dự báo sinh vật gây hại; ứng dụng chuyển đổi số các mô hình khuyến nông để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; lắp đạt các trạm quan trắc độ mặn,…

anh tin bai
Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”
 (https://nongsanhaugiang.com.vn/, truy cập ngày 11/3/2024)

         Chia sẻ, trao đổi với đoàn tham quan, học tập của tỉnh Trà Vinh(*) đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là vấn đề rất khó, do đặc thù ngành nông nghiệp có rất nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều vấn đề cần xử lý. Nhưng, xác định chuyển đổi số là vấn đề tất yếu, là vấn đề bắt buộc, “chỉ có đi tới, không có đường lui”, vì vậy, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, thực hiện. Chuyển đổi số theo “phương châm”, vấn đề nào dễ thực hiện trước, vấn đề nào khó thực hiện sau, chia nhóm “vấn đề cần giải quyết” để thực hiện (4 nhóm: Nhóm cơ quan quản lý, nhóm nghiên cứu, nhóm kinh doanh và nhóm sản xuất).

         Quá trình thực hiện có kế hoạch chi tiết, ấn định thời gian hoàn thành và nhất là, từng nội dung công việc được “gắn” trách nhiệm cho từng cá nhân. Các vấn đề vướng mắc đều được trao đổi, thảo luận để đưa ra phương án xử lý tốt nhất có thể. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đạt được kết quả bước đầu như đã nêu. Trong chuyển đổi số, có thể nói rằng ngành nông nghiệp Hậu Giang đã “đi trước một bước so với các tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

anh tin bai

Đoàn tham quan, học tập của tỉnh Trà Vinh chụp hình lưu niệm

cùng lãnh đạo, công chức, viên chức Sở Nông nghiệp và PTNT - VNPT Hậu Giang

         Những năm tiếp theo, kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số của nông nghiệp Hậu Giang sẽ tập trung xây dựng kho dữ liệu ngành nông nghiệp (gồm 8 lĩnh vực), xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành nông nghiệp phiên bản web và ứng dụng di động, xây dựng bản đồ số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Qua chia sẻ, trao đổi thực tiễn chuyển đổi số nông nghiệp Hậu Giang, đây là kinh nghiệm quý cho nông nghiệp Trà Vinh thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

         Tại tỉnh Trà Vinh, chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng đã và đang thực hiện ở nhiều lĩnh vực, đem đến nhiều kết quả tích cực. 100% giấy phép về nông nghiệp thực hiện qua hành chính công, văn bản (trừ văn bản mật) thực hiện qua ioffice; đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh; 100% tàu cá lắp đặt VMS giám sát hành trình; thực hiện bản đồ số trong lâm nghiệp, đo tự động (độ mặn, mực nước) tại các cống, vàm; quản lý, báo cáo các ổ dịch động vật, thu phí kiểm dịch động vật qua mạng,… Tuy vậy, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Trà Vinh còn nhiều khó khăn, bất cập, manh mún, thiếu kiểm soát, chưa đồng bộ trong ngành và từng lĩnh vực của ngành, chưa liên thông giữa Trung ương và địa phương và giữa các địa phương, đơn vị,...

anh tin bai

Ông Ngô Minh Long (bên trái), Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang,

và ông Trần Văn Dũng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tặng quà lưu niệm

         Hiện tại, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý tổ chức lập Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu của Đề án, nhằm xây dựng phương án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh có tính khả thi cao, trên cơ sở khoa học, hợp lý và phù hợp với chủ trương và định hướng của Trung ương và địa phương; tạo môi trường sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản suất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”.

         * Chuyến tham quan, học tập tổ chức ngày 07/3/2024, do VNPT Trà Vinh tài trợ. Thành phần gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Trà Vinh và công chức, viên chức Sở Nông nghiệp và PTNT, VNPT Trà Vinh.              

 

Trần Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới