Cơ sở nuôi gia súc được đề xuất phải kiểm kê khí nhà kính

         Theo Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính (CH4), ở lĩnh vực chăn nuôi gia súc, hệ số phát thải cao nhất là bò sữa, tiếp đến là trâu, bò thịt, ngựa, dê, cừu và thấp nhất là lợn/heo (xem Bảng 1).

Bảng 1. Hệ số phát thải phục vụ kiểm kê CH4 lĩnh vực chăn nuôi

TT

Loại gia súc

Đơn vị

Giá trị (số lượng)

Nguồn phát thải

1

Bò sữa

Kg CH4/vật nuôi/năm

78

Tiêu hóa thức ăn

2

Trâu

Kg CH4/vật nuôi/năm

76

Tiêu hóa thức ăn

3

Bò thịt

Kg CH4/vật nuôi/năm

54

Tiêu hóa thức ăn

4

Ngựa

Kg CH4/vật nuôi/năm

18

Tiêu hóa thức ăn

5

Dê, cừu

Kg CH4/vật nuôi/năm

5

Tiêu hóa thức ăn

6

Lợn

Kg CH4/vật nuôi/năm

1

Tiêu hóa thức ăn

(Nguồn: Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022

của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh có 244 con trâu, 222.392 con bò, 23.002 con dê, cừu và 251.935 con lợn, không nuôi bò sữa và ngựa (Nguồn: channuoivietnam.com/, truy cập ngày 14/6/2024). Như vậy, (ước) đàn gia súc của tỉnh khi tiêu hóa thức ăn đã thải ra lượng CH4 gần 12.400 tấn trong năm 2023, nhiều nhất ở bò thịt trên 12.000 tấn, heo gần 252 tấn, dê, cừu 115 tấn (xem Bảng 2).

Bảng 2. Lượng CH4 do gia súc của tỉnh Trà Vinh thải ra từ tiêu hóa thức ăn

TT

Loại gia súc

Số lượng

(con)

Số lượng

(Kg CH4/vật nuôi/năm)

Tổng

(Kg CH4/năm)

1

Trâu

244

76

18.544

2

Bò thịt

222.392

54

12.009.168

3

Dê, cừu(*)

23.002

5

115.010

4

Lợn

251.935

1

251.935

 

Tổng cộng

 

 

12.394.657

*Cừu: 320 con (Nguồn: Tổng hợp)

Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, nội dung quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: “1. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên…”. Với quy định này, và Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (kèm theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ) thì hầu hết cơ sở chăn nuôi gia súc không phải kiểm kê nhà kính. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm điểm đ vào Điều 6 như sau: “đ) Các cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên.”. Khi Nghị định sửa đổi, bổ sung được ban hành chính thức, sẽ có nhiều cơ sở chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính. 

anh tin bai

Bò nuôi tại Trà Vinh chủ yếu thuộc loại quy mô chăn nuôi nông hộ,

mặc dù lượng CH4 bò thải ra nhiều nhất so với các loại gia súc khác

         Tại Trà Vinh, theo số liệu của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có khoảng 1.200 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu được xếp loại trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (≤10 đến <30 đơn vị vật nuôi - ĐVVN, mỗi ĐVVN tương đương 500kg hơi) hoặc trang trại chăn nuôi quy mô vừa (≤30 đến <300 ĐVVN). Nếu kiểm kê khí nhà kính cơ sở chăn nuôi như dự thảo Nghị định, có thể phát sinh bất cập. Như, lợn dưới 28 ngày tuổi, số đầu con/ĐVVN là 63, cơ sở nuôi 3.000 con thì số ĐVVN là 48, xếp loại trang trại quy mô vừa; lợn đực hoặc lợn nái ngoại, số đầu con/ĐVVN là 2, cơ sở nuôi 3.000 con số ĐVVN 1.500, xếp loại trang trại quy mô lớn (≤300 ĐVVN); bò thịt ngoại hoặc bò thit lai, số đầu con/ĐVVN là 1, cơ sở nuôi 3.000 con số ĐVVN 3.000, xếp loại trang trại quy mô lớn. Nên chăng, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính căn cứ theo ĐVVN từ đó quy ra số lượng nuôi cho từng loại gia súc cụ thể, vì nguồn phát thải từ tiêu hóa thức ăn khác nhau tùy độ tuổi, giống, loại gia súc,…  

         Giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Khi thực hiện, cơ sở chăn nuôi tốn thêm chi phí, thời gian và phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cơ sở chăn nuôi phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. 

 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới