Công tác dự tính dự báo sâu bệnh trên cây trồng (từ ngày 21/6/2024 – 27/6/2024)
anh tin bai

 

anh tin bai

Biểu đồ mật độ Rầy nâu tại các bẫy đèn

 

anh tin bai

Biểu đồ mật độ Bướm sâu cuốn lá nhỏ tại các bẫy đèn

 

         Trong tuần qua, từ ngày 21/6/2024 đến ngày 27/6/2024 tại 10 bẩy đèn thuộc hệ thống giám sát côn trùng thông minh trong tỉnh đã phát hiện rầy nâu vào đèn phổ biến từ 05- 1.074 con/bẩy/đêm, cao nhất 1.074 con vào đêm 21/6/2024; Bướm sâu cuốn lá nhỏ vào đèn phổ biến từ 03- 48 con/bẩy/đêm, cao nhất 48 con vào đêm 25/6/2024 tại bẩy đèn Phú Cần. Ngoài ra hệ thống bẩy đèn còn ghi nhận, Rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, rầy cánh phấn, muỗi hành, rầy zigzag... có xuất hiện nhưng mật số không đáng kể.

         Lúa Hè thu 2024 xuống giống đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh và một số làm đòng. Hiện trạng sâu bệnh ngoài đồng có xuất hiện ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá... nhưng ở mức độ nhẹ, đặc biệt chú ý rầy phấn trắng đang gia tăng mật số và có khả năng ảnh hưởng đến năng suất.

         Đề nghị bà con nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu, bệnh và phòng trị kịp thời, đặc biệt chú ý theo dõi bệnh đạo ôn lá, mật số rầy cánh phấn sẽ tăng mật số trong tuần tới.

         1). Đối với bệnh đạo ôn, thăm đồng thường xuyên và kiểm tra kỹ những nơi lúa phát triển tốt hơn so với những nơi khác, nơi cuối nguồn nước, nơi dồn phèn,…quan sát các lá bên dưới nếu xuất hiện vết chấm kim thì phòng trừ bằng các biện pháp sau:

         - Ngưng ngay việc bón phân đạm (nếu trùng vào đợt bón phân lần 2).

         - Thay nước ruộng nếu lúa đang có tình trạng  ngộ độc hữu cơ.      

         - Tiến hành phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn có chứa hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Fenoxanil… khi phun cần tuân thủ đúng theo liều lượng khuyến cáo.

         - Nếu áp lực bệnh cao (vết bệnh chưa khô hẳn + có mưa liên tục...) phun lặp lại 3-5 ngày sau.

         - Sau khi vết bệnh khô, cần bổ sung thêm phân bón hữu cơ hoặc phân bón qua lá nhằm tăng cường dinh dưỡng và giúp lúa mau phục hồi.

         2). Đối với rầy phấn trắng, thăm đồng thường xuyên và kiểm tra kỹ mặt dưới lá lúa nơi đẻ trứng và trú ẩn ấu trùng, thành trùng để xác định đúng mật số

         - Gieo sạ tập trung, đồng loạt, không sạ dày và bón thừa phân đạm. Sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng tránh lây lan sang vụ sau. Bón phân cân đối, bổ sung đầy đủ các chất trung vi lượng để cây lúa tăng sức chống chịu.

         - Hạn chế phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo tồn các loài thiên địch như bọ rùa, bọ xít mù xanh, kiến ba khoang,…  giúp khống chế mật số rầy phấn trắng và cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng.

         - Biện pháp hóa học chỉ áp dụng khi mật số rầy phấn trắng >6000 con/m2 hoặc >30% số chồi bị nhiễm. Sử dụng thuốc hóa học có đặc tính thấm sâu, lưu dẫn mạnh, nên luân phiên các loại gốc thuốc khác nhau để trừ rầy phấn trắng. Các thuốc có hoạt chất như Pymetrozin, Fenobucarb, Thiamethoxam, Acetamiprid …đều có hiệu quả để phun trừ rầy phấn trắng.

         Một số lưu ý khi phun thuốc đối với rầy phấn trắng:

         - Nên phun thuốc vào lúc chiều mát vì rầy phấn trắng thường vũ hóa vào lúc xế chiều.

         - Hạ vòi phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng và bám dính vào mặt dưới của lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng.

         - Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và thực hiện phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Tin mới