Vấn đề cần quan tâm trong ấp trứng gà

I. Chọn và nuôi gà bố mẹ

           - Nên chọn những mái con của mẹ đẻ tốt, chọn gà giống thuần theo đặc trưng của từng giống, tránh pha tạp; chân cao vừa phải; đầu thanh, mắt sáng, khoảng cách giữa xương lườn và xương chậu rộng để lọt bàn tay, bụng mềm, lổ nguyệt mọng, khoảng cách giữa hai xương chậu rộng.

- Tỷ lệ ghép đàn phụ thuộc giống gà nuôi thả vườn. Tàu vàng, ta vàng tỷ lệ 1 trống/10 - 13 mái; gà thịt Đông Tảo 1 trống/5 - 6 mái; gà Mía, gà Hồ 1 trống/7 - 8 mái; căn cứ vào tỷ lệ phôi cao, thấp mà điều chỉnh tỷ lệ trống/mái cho thích hợp. 

- Mật độ nuôi 4 – 6 con/m2.

- Thời gian chiếu sáng một ngày đêm là 15 giờ.

- Gà nuôi đúng quy trình kỹ thuật sẽ không: quá béo và thành thục sinh dục muộn.

II. Lựa chọn và bảo quản trứng ấp
1. Lựa chọn trứng giống để ấp
    
a. Quan sát ngoại hình của trứng:

- Chọn trứng có khối lượng đạt tiêu chuẩn của giống, không lớn hoặc nhỏ quá. Cụ thể trứng gà Ri phải có khối lượng 41-43g, gà Tàu vàng 45-50g, gà Tre 20-22g, gà Mía 55-60g, gà Đông Tảo 52-62g, gà Hồ 50-53g, gà Chọi 50-55g, gà Tam Hoàng 50-52g.

- Có hình dạng màu sắc đặc trưng của giống.

- Vỏ không bẩn, không sần sùi, không mỏng hoặc dày quá, không dị hình. Vì những loại trứng này không đạt tiêu chuẩn trứng giống.

- Những trứng có kích thước quá dài hoặc quá to tròn cũng không nên ấp vì tỉ lệ lòng đỏ và lòng trắng không cân đối.

     b. Chọn trứng bằng đèn soi:

Cần kiểm tra bằng đèn soi trứng mới có thể biết và loại ra những trứng nào không đạt tiêu chuẩn.

- Buồng khí nằm ở đầu to của quả trứng.

- Không có vết máu, không có bọt khí và không bị rạn nứt.

2. Thu nhặt và bảo quản trứng trước khi ấp:

- Thu trứng ngày 2 lần (sáng và chiều).

- Chỉ chọn những quả trứng đạt tiêu chuẩn ấp mới đưa vào bảo quản.

- Xếp trứng vào khay trứng định vị, đầu to hướng lên phía trên.

- Những quả trứng cùng cỡ nên để cùng khay trứng.

- Để bảo quản trứng ấp tốt nên giữ nhiệt độ từ 15 – 18 độ C.

- Thời gian bảo quản trứng 7 ngày, không nên bảo quản trứng quá 7 ngày. Trong trường hợp bảo quản trứng dưới 3 ngày có thể bảo quản trứng trong điều kiện nhiệt độ phòng.

- Độ ẩm bảo quản thích hợp cho trứng ấp là 75%.

- Đảo trứng mỗi ngày một lần để tránh tình trạng phôi dính vào vỏ để tránh hiện tượng gà nở bị sát vỏ.

3. Xử lý trứng trước khi ấp:

- Trước khi đưa trứng vào ấp nên xông khử trùng bằng formon, thuốc diệt khuẩn.

- Nếu chưa xử lý khử trùng vi khuẩn sẽ lưu trữ trên vỏ trứng, khi ta đưa vào máy ấp sẽ có điều kiện xâm nhập vào trứng gây chết phôi, độc tố sẽ lây sang trứng khác, lượng Amoniac tăng gây ngộ độc hàng loạt trứng trong máy ấp.

4. Phương pháp xông trứng bằng Formaldehyde cho một tủ xông có thể tích 0.5m3   

Đặt trứng vào các khay trứng xếp trên giá.

Cho 12g thuốc tím vào khay làm bằng đất nung hoặc kim loại tráng men, bảo đảm khay có thể tích ít nhất 350ml, khay để ở đáy tủ, ngay phía dưới ống phễu.

- Đóng cửa thùng xông trứng.

- Đong 20ml Formaldehyde 40% vào khay qua phễu.

- Bật quạt lên vị trí lưu thông không khí.

- Để thùng xông trứng hoạt động trong vòng 20 phút.

- Sau 20 phút, bật quạt về vị trí hút khí ra và để thêm 20 phút nữa, sau đó mở nắp thông gió.

- Mở cửa thùng xông và lấy trứng để ở khu vực bảo quản sạch trong cơ sở ấp.

- Khi xông trứng cần sử dụng dụng các dụng cụ bảo hộ.

III. Soi trứng và đảo trứng

  1. Soi Trứng:

* Soi trứng

Kiểm tra loại bỏ những quả trứng trắng, trứng chết phôi để tiết kiệm diện tích máy, đồng thời tránh ô nhiễm và xác định thời điểm phôi chết để có biện pháp cải thiện chế độ ấp hoặc chất lượng trứng giống tránh thiệt hại không cần thiết.

* Dùng đèn soi trứng:

Nếu dùng đèn soi trứng chuyên dụng sẽ tiện lợi hơn nhiều so với đèn tự chế, vì đèn tự chế không dùng bóng đèn nhiệt chuyên dụng dễ làm cho trứng bị chết phôi.

Phương pháp soi trứng và loại bỏ trứng hư:

Trong quá trình ấp trứng cần soi trứng 3 lần vào các thời điểm ấp như sau:
           - Lần 1: lúc 6 ngày đầu, để biết được trứng có phôi (có các mạch máu bên trong trứng  tỏa ra ngoài từ một đốm nhỏ đen gọi là phôi, di chuyển bên trong trứng) loại bỏ trứng không phôi và chết phôi qua các đặc điểm sau:

+ Trứng trong suốt, xoay trứng thấy lòng đỏ và lòng trắng lẫn lộn.

+ Phôi nhẹ nằm lên sát mặt vỏ trứng, nhìn rõ tâm phôi.

+ Hệ thống mạch máu phát triển yếu, mờ nhạt.

+ Đôi khi buồng khí khá lớn.

+ Trứng bị chết phôi, khi xoay trứng phôi di động nhanh, có vết đen nằm sát buồng khí, mạch máu sẫm, vòng máu chạy ngang.

- Lần 2: lúc 11 ngày, phôi sống giống như lúc 6 ngày tuổi tuy nhiên phôi lớn hơn nhiều và di chuyển bên trong trứng với động tác mạnh mẻ hơn, loại tiếp những trứng chết phôi qua các đặc điểm sau:

+ Phôi không chuyển động.

+ Trứng có màu nâu sẫm, do mạch máu bị vỡ, máu đen.

+ Sờ vỏ trứng có cảm giác lạnh.

- Lần 3: lúc 18 ngày loại bỏ những trứng chết phôi và trứng thối qua các đặc điểm sau:

+ Khi soi trứng có màu sáng hơn (trứng không phôi, trứng chết phôi sớm).

+ Các trứng vỏ rạn nứt, vỏ sùi bọt nâu hoặc có màu đen (trứng thối).

 - Những điểm cần lưu ý:

+ Lấy khay trứng ra khỏi máy ấp trứng đưa vào phòng kiểm tra (phòng phải tối và kín gió).

+ Đặt khay trứng vào phía bên phải đèn soi, bên trái đặt khay không.

+ Loại bỏ trứng chết phôi, trứng dập vào khay không. Soi hết khay trứng, kiểm tra đếm số trứng chết phôi và xếp lại khay trứng có phôi đưa vào máy ấp.

+ Soi trứng phải nhanh, hạn chế trứng bị mất nhiệt, phòng soi trứng phải ấm.
+ Khi soi trứng lúc 6 ngày, khi soi phải xoay quả trứng mới thấy phôi.

+ Khi soi trứng lúc 11 ngày phải soi đầu nhọn của trứng, cần chú ý xem màng niệu nang đã khép kín chưa.

+ Khi soi trứng cần tham khảo quá trình phát triển của phôi.

2. Đảo trứng:

Gia cầm tự đảo trứng nếu chúng tự ấp tại ổ và chúng ta biết việc đảo trứng là rất cần thiết trong các máy ấp để có tỷ lệ cao nhất.

 

Đảo trứng trong máy ấp

 

* Mục đích của việc đảo trứng:

- Tránh cho phôi khỏi dính vào vỏ, làm cho quá trình trao đổi chất được cải thiện đồng thời có tác dụng làm cho phôi phát triển tốt nhất, đặc biệt quan tâm ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa. Đảo trứng cũng là cách để điều hòa nhiệt độ, ẩm độ và không khí tại mọi vị trí của trứng.

- Nếu 6 ngày đầu không đảo phôi dính vào vỏ không phát triển và chết.

- Sau 13 ngày không đảo túi niệu không khép kín, lượng abumin không vào được bên trong túi niệu dẫn đến tỷ lệ chết phôi cao, gà mổ vỏ sẽ không đúng vị trí, phôi bị dị hình ở phần mắt, mỏ, đầu.

   * Phương pháp đảo trứng:

- Trứng được đảo một góc 900 và đảo 1 giờ/lần.

- Ngưng đảo trứng từ ngày thứ 18 sau khi ấp trứng vì gà con cần phải ở yên trong vỏ trứng để đợi ngày mổ vỏ và chúng sẽ làm việc này tốt hơn nếu chúng được ở yên trong khi quá trình này đang diễn ra.

IV. Ấp trứng bằng gà mẹ (ấp tự nhiên) 

1. Chọn gà mái ấp 

- Gà mái đã đẻ hết lứa trứng, nhưng còn sung sức, cánh rộng đủ để phủ trứng và điều hòa nhiệt độ tốt khi ấp, chân cao vừa phải và không có lông, thân hình vừa phải, không bé quá sẽ ấp được ít trứng, không nặng nề quá, dễ làm vỡ trứng.  

- Gà có tính đòi ấp mạnh. Để kiểm tra tính đòi ấp có mạnh không, nên để vào ổ một vài quả trứng cho ấp trước. Nếu gà say ấp không bỏ ổ trong vài ba ngày là được.  

- Tính gà ôn hoà, không bệnh tật, không có ký sinh trùng.

2. Lưu ý trong thời gian con mái ấp

- Không nên thay đổi vị trí ổ ấp, nếu cần thiết thì thay đổi về ban đêm.

- Ổ ấp có thể dùng thúng rổ hoặc đóng hộp gỗ có diện tích 40cm x 40cm, lót rơm khô hoặc phoi bào, để ở vị trí thoáng, khô ráo, nhưng không sáng quá, tránh gió lùa, yên tĩnh. Nếu ổ bẩn thì thay đệm lót. Không sử dụng trấu, răm bào, mùn cưa để lót ổ nhằm tránh trứng ấp bị phủ lấp.

- Số lượng trứng: 13-17 quả, tùy gà mẹ to nhỏ. Nên để số trứng lẻ, vì số chẵn, thường bị lăn 1 quả ra ngoài, mất nhiệt, trứng phát dục không bình thường.  

- Mỗi lần cho gà xuống ổ khoảng 10-20 phút là vừa, cho gà mái ăn uống đầy đủ kịp thời để tránh bỏ ổ. 

- Khi gà con mổ vỏ, nếu có hiện tượng sát vỏ, khó nở thì phải phun ẩm cho trứng.

- Sau khi gà nở hết, chuyển cả gà mẹ và con vào lồng nuôi và cho ăn uống kịp thời. 

V. Ấp trứng bằng máy (ấp trứng nhân tạo)

Thời gian ấp trứng gà bắt đầu đưa vào ấp đến ngày 21 là nở ra gà con. Trứng to nở trễ, trứng nhỏ nở sớm, thời gian nở chênh lệch khoảng 5-10 giờ.

1. Công đoạn chuẩn bị máy ấp:

- Máy ấp trứng phải được vệ sinh lau chùi sạch sẽ bên trong, dùng thuốc khử trùng trong máy thì càng tốt.

- Hiện nay, có loại máy ấp trứng có chức năng khử trùng diệt khuẩn bằng tia cực tím. Sẽ rất tiện lợi thay thế chúng ta diệt khuẩn bằng thuốc.

- Hoặc có thể cho trứng vào máy và tiến hành xông khử trùng 1 lượt, phương pháp này chỉ áp dụng cho trứng ấp đơn kỳ.

- Nên bật máy ấp từ 2 – 4 giờ để đạt đúng nhiệt độ thích hợp sau đó mới cho trứng vào khay.

- Khi đưa trứng vào ấp, nên ghi lại ngày trên khay  để chúng ta dễ quan sát theo dõi.

- Sau khi nở thành gà con, lấy gà ra khỏi máy và tiến hành vệ sinh để cho đợt ấp kế tiếp.

2. Nhiệt độ và ẩm độ ấp trứng:

- Những ngày đầu tiên nhiệt độ ấp cao nên độ ẩm phải cao để giảm bớt sự bốc hơi nước trong trứng.

- Vào vài ngày cuối của thời kỳ ấp, sự trao đổi chất của phôi mạnh nhất nên nhiệt độ của trứng tăng lên cao. Vì vậy, nhiệt độ của máy ấp phải giảm đồng thời độ ẩm của máy phải tăng.

- Nếu trong quá trình ấp, độ ẩm quá cao gà con nở ra sẽ nặng bụng, bên trong vỏ dính đầy chất nhớt. Nếu độ ẩm thiếu, lông gà sẽ dính vỏ trứng và không thể đạp ra khỏi cơ thể dẫn đến chết trong vỏ, nếu gà nở lông sẽ không bông, khối lượng thấp, có khi có tật ở chân, mỏ và cổ.

 a. Nhiệt độ và ẩm độ trong máy ấp trứng gà đơn kỳ:

 

Ngày

1 - 5

6 - 18

19 - 21

Nhiệt độ

37.8 -  38.0 oC

37.5 - 37.7oC

37.2 - 37.5oC

Ẩm độ (%)

 54 - 56 %

51 - 53%

58 - 60%

 

 

 


 b. Nhiệt độ và ẩm độ trong máy  trứng gà đa kỳ:

Trong máy có nhiều lô trứng được đưa vào thời gian khác nhau. Vì vậy, phải sử dụng chế độ nhiệt và ẩm độ  mà tất cả các lô trứng đều có thể chấp nhận được.

- Trong máy ấp: Nhiệt độ: 37.5 độ C, ẩm độ: 55%.

Trong máy nở: Nhiệt độ: 37.2 – 37.4 độ C, ẩm độ: 68 - 72%.

VI. Một số hiện tượng không bình thường trong ấp nở trứng gia cầm và nguyên nhân

1. Tỷ lệ trứng có phôi thấp

- Thiếu con trống.

- Do đàn bố mẹ bị mắc bệnh.

- Do nuôi dưỡng đàn bố mẹ không đúng quy trình kỹ thuật làm cho quá béo hoặc thành thục muộn.

2. Phôi chết sớm

- Nhiều trứng bị rạn, ẩm ướt.

- Rửa và xông trứng không đúng kỹ thuật.

- Thời gian bảo quản trứng quá dài hoặc do điều kiện bảo quản không phù hợp.

- Do thức ăn bị mốc hoặc thiếu vi chất.

- Chế độ ấp trứng không phù hợp.

- Đảo trứng ít làm dính phôi.

3. Tỷ lệ trứng thối nhiều

- Do chất độn chuồng.

- Rửa trứng sai quy trình.

- Trước khi trứng vào ấp bị ướt.

- Bảo quản trứng ở độ ẩm quá cao.

- Trứng bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

4. Thời gian nở kéo dài

- Thiếu nhiệt ở giai đoạn đầu.

- Trứng phát triển phôi trước khi vào ấp.

- Trứng bảo quản quá lâu.

- Bảo quản trứng ở nhiệt độ quá thấp.

5. Nhiều con nở ra khoèo chân, hở rốn

- Do nhiệt độ trong máy ấp có thời điểm nóng quá, lạnh quá.

- Xếp trứng ngược (đầu nhỏ lên trên)./.

                                                                                                                            Tuấn Bửu

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới