Kết quả đề tài "Nghiên cứu quy trình quản lý theo hướng sinh học đối với sâu hại cây Lác tại tỉnh Trà Vinh"
 Trong thời gian 18 tháng (từ tháng 9/2016 đến 02/2018) Dự án Thích ứng Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) đã hỗ trợ kinh phí cho Trường Đại học Trà Vinh thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình quản lý theo hướng sinh học đối với sâu hại cây Lác tại tỉnh Trà Vinh” do ThS Nguyễn Hồng Ửng làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện với 2 mục tiêu: xác định được thành phần và mức độ gây hại của sâu hại cây Lác; Xây dựng quy trình phòng và trị sâu hại cây Lác theo hướng sinh học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đến nay đề tài được được Tổ Công tác chuyên để (TAG) nghiệm thu thông qua.
           Kết quả khảo sát cho thấy thành phần côn trùng gây hại trên ruộng lác tại huyện Càng Long chủ yếu là rầy nâu, rầy trắng nhỏ và sâu đục thân B. venosana, phần lớn nông dân không hiểu rõ về các đối tượng này. Côn trùng thuộc bộ cánh đều (rầy trắng nhỏ, rầy nâu) có mật số từ 8,43 - 618 con/m2. Tỉ lệ gây hại trung bình của sâu đục thân cây lác là 1,23%. Mật độ trung bình của sâu đục thân là 10,4 con/m2. Thiên địch hiện diện trên ruộng chủ yếu là kiến ba khoang, bọ rùa, bọ xít mù xanh, nhện và nấm kí sinh.
          Vòng đời của sâu đục thân B. venosana khảo sát trong phòng thí nghiệm là 35,1 ngày. Trong điều kiện ngoài đồng, trứng được đẻ rải rác cách gốc từ 2,0 - 8,0 cm. Ấu trùng gây hại bên trong thân cây lác, mới bị hại cây lác không có biểu hiện triệu chứng, sau đó cây chuyển màu xanh nhạt đến vàng nhạt, thân mềm, cả cây chuyển sang màu vàng, héo dần và chết. 
 

Vị trí đẻ trứng của sâu đục thân B. venosana khảo sát ngoài đồng tại
huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

           Để quản lý tốt sâu hại lác, qua thực nghiệm ngoài đồng cho thấy việc áp dụng tốt biện pháp canh tác như cắt sát gốc và sử dụng nước kết hợp nấm xanh và thuốc có nguồn gốc sinh học cho hiệu quả quản lý sâu đục thân cây lác tương đương sử dụng thuốc hóa học có độ độc cao và nhiều lần. Riêng chế phẩm sinh học là nấm xanh có hiệu quả quản lý nhóm rầy hại cây lác cao hơn.
          Qua khảo sát và thực nghiệm đề tài đã đề xuất được Quy trình quản lý theo hướng sinh học sâu hại cây lác được áp dụng với các giải pháp kỹ thuật gồm:
           - Thu hoạch tập trung và cắt sát gốc cách mặt đất tối đa 20 – 30 mm, thu gom và tiêu hủy toàn bộ tàn dư của cây lác trên ruộng sau thu hoạch, đặc biệt là phần lác còn sót lại nơi gần bờ để loại trừ nơi trú ẫn của sâu hại, và gây hại cho vụ sau.
           - Làm cỏ sớm từ đầu vụ để hạn chế nơi trú ẫn của thành trùng, chăm sóc, bón phân hợp lý để cây lác phát triển tốt chống lại sâu bệnh hại.
           - Thường xuyên thăm đồng: do thành trùng sâu hại cây lác nói chung và sâu đục thân cây lác thường phát tán chủ động, cần thăm đồng thường xuyên để khảo sát phát hiện sớm sự gây hại, đặc biệt chú ý vào mùa nắng là thời điểm mà sự gây hại tăng cao và khu vực gần bờ.
          - Đối với sâu đục thân cây lác, do đặc tính bướm đẻ trứng gần gốc nên cần chú ý giữ ẩm cho ruộng. Khi thấy bướm vào đèn nhiều hoặc khi phát hiện trứng sâu đục thân trên ruộng thì  đưa nước vào ruộng lác khoảng 8,0 – 10 cm khoảng 5 - 6 ngày để giảm tỉ lệ nở của trứng và sự xâm nhập của sâu non vào cây lác, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phòng trừ sâu đục thân cây lác.

Đưa nước vào ruộng lác

          - Tận dụng nguồn thiên địch sẵn có trên ruộng như bọ rùa, kiến ba khoang, ong ký sinh… bằng cách hạn chế phun thuốc hóa học trên ruộng lác. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học như vi khuẩn BT (Bacillus thuringiensis) hoặc nấm xanh M. anisopliae (liều lượng 250g/bình 16 lít,  phun ướt đều cây lác khoảng 6-12 bình 16 lít/ 1000 m2 tùy theo chiều cao cây lác), phun định kỳ trên ruộng lác 2-3 tuần/lần hoặc sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học theo nguyên tắc bốn đúng.
         - Khi thu hoạch lác cần thu hoạch tập trung để hạn chế sự lưu trú của sâu hại từ vụ trước và lây lan, gây hại cho vụ sau.
           Kết quả của đề tài đã góp phần quản lý được sâu hại Lác theo hướng sinh học, ổn định chất lượng của cây Lác, giảm được số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
       


Phòng Chính sách và Thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới