Cách chọn con giống tốt trong nuôi cá lóc (Channa striata) thương phẩm

Trong thời gian qua, Trà Vinh là tỉnh có phong trào nuôi cá lóc khá mạnh so khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Gần đây toàn tỉnh đã phát triển khoảng 290 ha nuôi, nằm rải rác các huyện như Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Duyên Hải, thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải; trong đó, tập trung cao nhất là huyện Trà Cú với trên 200 ha.

Trà Cú là huyện có phong trào nuôi cá lóc sớm của tỉnh, đối tượng này đã mang lại lợi nhuận khá cao cho người nuôi từ những năm trước đây. Đến năm 2011 phong trào nuôi cá lóc theo hình thức thâm canh bắt đầu phát triển mạnh, đã hình thành được vùng nuôi ở các xã Định An, Đại An, Ngọc Biên và thị trấn Định An. Hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc so với một số đối tượng nuôi ở vùng nước ngọt như cá phi, cá hường, cá trê… thì mô hình nuôi cá lóc có lợi nhuận hấp dẫn, đầu ra tương đối ổn định, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nông hộ. Hiện nay, lượng giống cần cung cấp cho tỉnh ước tính gần 150 triệu con/năm; riêng huyện Trà Cú, nhu cầu thả giống hàng năm khoảng 90 triệu con.

Để giúp ích cho việc nuôi cá lóc thương phẩm đạt thắng lợi, bà con cần nắm vững một số nội dung về khâu chọn con giống tốt như sau:

1.     Đặc tính sinh sản của cá lóc:

Do đặc tính sinh lý sinh sản của loài nên cá lóc không thể sinh sản nhiều và đồng loạt như những loài cá khác, nên hiện nay nguồn cung cấp cá giống được sản xuất với qui mô hộ gia đình nhỏ lẻ và được thương lái thu gom về phân cỡ, ương lại để bán cho người nuôi.

Theo đặc tính di truyền sinh sản của loài, trong mỗi đàn cá lóc được sinh sản ra luôn có tỉ lệ cá (đẹt) mang gen lặn nhất định chiếm khoảng 15%. Trong quá trình thu gom cá về ương của thương lái họ sẽ dùng lồng lọc những cá có cỡ lớn để xuất bán trước, số cá còn lại tiếp tục ương lên đến khi đạt cỡ theo thị trường yêu cầu họ tiếp tục lọc lồng để xuất bán và làm như vậy đến khi xuất bán hết cá. Với cách làm này, số cá mang gen lặn cuối cùng cũng được xuất bán hết. Và như vậy, người nuôi dù có mối quan hệ với thương lái thân thiết thế nào cũng phải bị trải qua ít nhất một lần nuôi con giống gom ở đợt cá đẹt cuối cùng của các đàn còn lại. Cá đẹt ở đợt sau cùng này nếu người nuôi mua phải để nuôi thì cá không bao giờ vượt qua cỡ 100 gam/con, sẽ kéo dài thời gian nuôi, tiêu tốn thức ăn và cuối cùng không mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Cá lóc giống

 

2. Những điểm cần lưu ý khi chọn cá giống:

Để chọn được con giống tốt, bước đầu đảm bảo cho vụ nuôi thắng lợi bà con cần chú ý những vấn đề sau:

            Thứ nhất: Nên tham gia dự các lớp tập huấn, hội thảo của các đơn vị chuyên môn trực thuộc ngành nông nghiệp tổ chức; nhờ tư vấn, tham khảo tài liệu…

Thứ hai: Nên chọn cơ sở có uy tính, trách nhiệm và bảo hành sản phẩm cá giống đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cung cấp người nuôi; không nên mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Thứ ba: Hạn chế mua giống vận chuyển đường xa vì sẽ làm suy giảm sức khỏe của cá dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao giai đoạn giống mới thả, tỉ lệ sống cá nuôi thấp, hiệu quả cá nuôi thương phẩm giảm.

Thứ tư: Biết kỹ thuật ương từ cá hương lên cá giống để nuôi vì cá giai đoạn cỡ nhỏ (cá hương) chưa cho phép áp dụng thực hiện thao tác lọc lồng, người nuôi sẽ tự lọc bỏ số cá (đẹt) mang gen lặn (khoảng 15%) để còn lại đàn cá lý tưởng. Ngoài ra, còn tiết kiệm được chi phí mua cá giống và kiểm soát được kháng sinh ở cá nuôi của chính mình.

Chúc bà con thành công

Đặng Hồng Tài

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới