Bàn giao dê cho hộ tham gia “Mô hình chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ”

         Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức Lễ bàn giao dê giống cho các hộ tham gia “Mô hình chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ” tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Đây là một trong những mô hình Trung tâm Khuyến nông được giao triển khai, thực hiện năm 2024.

         Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 160 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước. Giống dê bàn giao cho 5 hộ là dê lai Boer, số lượng 66 con, mỗi hộ nhận từ 11 đến 22 con, trọng lượng bình quân 15 kg/con. Để tham gia mô hình, ngoài điều kiện có kinh nghiệm chăn nuôi dê, các hộ phải đối ứng một phần chi phí mua con giống, một phần chi phí thức ăn nuôi dê, chuồng trại nuôi dê, lao động,… Thời gian thực hiện mô hình 5 tháng, từ tháng 4/2024.

anh tin bai

Ông Lâm Quang Thảo (thứ tư bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

  tại Lễ bàn giao dê giống, tổ chức ngày 15/4/2024 tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải

 

         Hộ tham gia mô hình và các hộ lân cận còn được Trung tâm Khuyến nông tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi dê lai hướng thịt” hướng dẫn cụ thể về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên dê, cách ủ chua thức ăn cho dê,…

         Đặc điểm nổi bật của dê lai Boer là tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, cơ bắp rất đầy đặn, nhất là phần ngực, đùi. Màu sắc lông, thân màu trắng có vành nâu đỏ hoặc đen quanh cổ, hoặc màu đỏ. Trọng lượng lúc trưởng thành, dê đực từ 80 - 100 kg/con, dê cái từ 70 - 80 kg/con. Tăng trọng bình quân từ 150 - 200 gr/con/ngày. Chất lượng thịt tốt, cholesterol thấp, đạm cao, mềm, thơm.

Dự kiến, sau khoảng 5 tháng nuôi, dê tăng trọng thêm khoảng 22,5 - 30 kg/con. Dê thịt sẽ được Hợp tác xã Chăn nuôi Thuận Phát thu mua toàn bộ với giá thị trường tại thời điểm xuất bán theo thỏa thuận 3 bên  giữa Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh (đơn vị đầu tư), hợp tác xã chăn nuôi Thuận Phát (đơn vị cung cấp giống và thu mua dê thịt) và hộ tham gia mô hình đã ký kết. Với giá bán như hiện tại, 85.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận mỗi hộ tham gia mô hình thu được trên 4 triệu đồng. “Mô hình chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ” thành công sẽ được triển khai nhân rộng trên địa bàn  xã Long Khánh và địa phương khác trong tỉnh.

         Dê là một trong những loại động vật khá hiền lành, dễ nuôi. Nuôi dê đầu tư vốn không nhiều, chuồng trại đơn giản, thức ăn có sẵn trong tự nhiên, ít gặp rủi ro về dịch. Dê chịu đựng được cam khổ, khí hậu nóng ẩm, ăn được nhiều loại thức ăn kể cả lá cây cỏ nghèo dinh dưỡng. Tại Trà Vinh, phần lớn dê nuôi theo phương thức thả lan, người chăn nuôi chưa có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Gần đây, đã xuất hiện một số trại nuôi dê số lượng lớn tại một số địa phương. 

anh tin bai

Một cơ sở nuôi dê tại Trà Vinh

         Số liệu của cơ quan chuyên môn, đến cuối năm 2023, tổng đàn dê của Trà Vinh có khoảng 22.600 con, nuôi tập trung nhiều tại huyện Duyên Hải, chiếm khoảng 53% tổng đàn dê của tỉnh, thị xã Duyên Hải 20%, các địa phương còn lại mội địa phương nuôi dưới 10%. Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, thịt dê được định hướng nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh tập trung phát triển tại các huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn dê của tỉnh là 23.000 con và sản lượng (thịt hơi) 300 tấn/năm, điều này cho thấy tầm quan trọng của chăn nuôi dê trong cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.

Phan Thị Mỹ Linh
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới