Hướng dẫn kỹ thuật cơ bản về nuôi chim yến

         Nghề nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2000 và quản lý hoạt động nuôi chim yến đã được đưa vào luật. Để trang bị kiến thức khoa học và thực tiễn giúp phát triển bền vững, tăng giá trị kinh tế cho nghề nuôi chim yến, Cục Chăn nuôi vừa ban hành hướng dẫn kỹ thuật cơ bản về nuôi chim yến (Công văn số 474/CN-GVN ngày 17/5/2024). Đây là tài liệu kỹ thuật phục vụ nghề nuôi chim yến bền vững ở Việt Nam. Đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân chuẩn bị, đã, đang nuôi chim yến; tổ chức, cá nhân khai thác, sơ chế tổ yến và cũng là tài liệu để cơ quan quản lý nhà nước, người có nhu cầu tham khảo.

         Khi chọn vùng và vị trí xây nhà nuôi yến (dẫn dụ), ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật thì tổ chức, cá nhân cần khảo sát sự phân bố quần thể và tập tính sinh học chim yến về vùng kiếm ăn, ổ sinh thái. Cụ thể, cần quan sát ước số lượng cá thể chim yến, thời gian quan sát tốt nhất từ 06 giờ 00 - 09 giờ 00 và từ 16 giờ 00 - 18 giờ 00. Chọn những nơi phong phú nguồn thức ăn cho chim yến và môi trường tiểu khí hậu ôn hòa; nơi thuận lợi về giao thông, điện, nước; có không gian xung quanh đảm bảo vòng lượn cho chim bay, an toàn sinh học cho nhà yến và con người; nơi ít bị tác động tiếng ổn, mùi hôi, khói bụi, vật cản đường chim bay,…

anh tin bai

Nhà yến xây dựng bằng tole và bằng bê-tông tại Trà Vinh

         Yêu cầu nhà nuôi yến cần đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng, sinh sản, phát triển đàn chim yến như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng khí; chi phí đầu tư phù hợp, ít tốn kém; tuổi thọ công trình đảm bảo đủ dài để đàn chim yến sinh trưởng phát triển cho sản lượng tổ cao, bền vững. Nhà nuôi yến xây hình chữ nhật hoặc hình vuông, khoảng từ 2-4 tầng, diện tích nền từ 100-200 m2, sử dụng vật liệu đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhà yến. Vùng nắng nóng nên chọn chiều dài nhà yến theo hướng Đông-Tây để giảm thời gian mặt trời chiếu trực tiếp từ phía Tây vào mảng tường lớn nhất. Vùng lạnh thì ngược lại cần được mặt trời sưởi nhiều hơn vào mảng tường lớn nhất để nhà yến đủ ấm.

         Nhà yến phải có tường, rào kiên cố, đảm bảo để hạn chế tiếp xúc của con người, động vật gây hại từ bên ngoài. Nên có vùng đệm giữa nhà nuôi chim yến với nơi sinh hoạt của con người hoặc các nguồn gây mất vệ sinh. Phải đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi yến. Nhà yến xây xong cần làm vệ sinh sạch sẽ và xử lý các mùi hôi, đặc biệt là mùi xi măng, mùi keo,... Nhà yến mới xây cần được tạo sinh cảnh tự nhiên, tạo mùi chim yến, tạo môi trường giống nhà yến thành công để giúp chim hòa nhập tốt với nơi ở mới.

anh tin bai
Kỹ thuật gắn loa dẫn (loa phóng, loa cửa) và loa ru trong nhà yến.
 Thời gian mở loa dẫn từ 05 giờ 30 - 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 - 19 giờ 00, âm lượng không quá 70dB (đo tại miệng loa).
Loa ru duy trì hoạt động 24/24 giờ, âm lượng khoảng 30-40 dB. (Nguồn: Cục Chăn nuôi)

         Về khai thác (thu hoạch) tổ yến, tổ đạt tiêu chuẩn thu hoạch khi chim yến đã làm xong tổ, kích thước chiều rộng tổ đạt 4 cm trở lên, màu trắng ngà, dày và đẹp. Quá trình khai thác thực hiện định kỳ hàng tháng kết hợp chăm sóc bảo trì bảo dưỡng nhà yến. Tùy theo số lượng tổ mà có giải pháp khai thác phù hợp không ảnh hưởng đến sự phát triển quần thể chim yến. Thời gian khai thác từ 08 giờ 00 - 15 giờ 00, thời gian này chim bay đi kiếm ăn nên khai thác tổ không ảnh hưởng đến đời sống của chim yến. Các tổ định thu hoạch thì phải phun nước tạo ẩm để không bị vỡ khi thu hoạch.

anh tin bai
Tổ yến khai thác chưa qua sơ chế

         Tổ yến thô sau thu hoạch, hong khô bằng quạt gió, đạt độ ẩm khoảng 14-16% thì có thể cho vào bảo quản trong thùng xốp, hộp nhựa đóng kín không để nước và không khí lọt vào. Tổ yến thô sau khi được làm sạch, được sấy khô đạt độ ẩm khoảng 10% thì cho vào đóng hộp để bảo quản. Không sấy tổ yến ở nhiệt độ cao như lò vi sóng, lò nướng hay phơi dưới ánh nắng trực tiếp, vì sẽ bị ngả màu.

         Ngoài ra, tổ chức, cá nhân cần lưu ý về 17 chỉ tiêu yêu cầu về kỹ thuật tổ yến sau sơ chế và cần ghi Nhật ký quản lý nhà yến. Hiện nay, số nhà nuôi yến chưa thành công và thất bại chiếm tỷ lệ đáng kể (khoảng 40%), cần khắc phục, chăm sóc và vận hành để đạt hiệu quả tốt hơn. Biện pháp khắc phục, đánh giá lại thiết kế nhà yến, hệ thống trang thiết bị và cách vận hành chăm sóc để xác định nguyên nhân chưa thành công hoặc thất bại, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục, tiến hành sửa chữa, vận hành lại nhà nuôi chim yến phù hợp.

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới