Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022
      Sáng ngày 17/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì Hội nghị, cùng đại diện các bộ phận, đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

        Về tình hình dịch bệnh động vật 8 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Cục Thú y mặc dù phải thực hiện phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở người diễn biến phức tạp nhưng cơ bản các loại dịch bệnh động vật trên cạn được kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển (với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm, 26,67 triệu con heo, 10 triệu con trâu, bò). Cũng theo Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục,… sẽ phát sinh và lây lan là rất cao do một số nguyên nhân, như: Thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa tiêm phòng triệt để vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng cao vào các tháng cuối năm; chưa có vắc-xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi,... Tuy vậy, đều đáng mừng là hiện cả nước đã có 2.301 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh[[i]] và dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng được 16 vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn OIE để phục vụ xuất khẩu, đây là nên tảng điển hình để các địa phương ứng dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan.

         Tại tỉnh Trà Vinh, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021[[ii]] để các sở, ngành, địa phương căn cứ tổ chức, thực hiện. Vì vậy, các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ[[iii]], hầu hết các loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế. Tuy nhiên, đầu tháng 8/2021 đến nay, Trà Vinh xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục, đây là dịch bệnh mới, xảy ra đầu tiên trên địa bàn tỉnh và có diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT kiểm tra chốt kiểm dịch động vật 

 tại cầu Cổ Chiên, xã Đại Phước, huyện Càng Long (Quốc lộ 60)

         Qua các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định giải pháp tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là hiệu quả nhất và dễ kiểm soát dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu phòng, chống từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, các địa phương cần bám sát các Chương trình, Kế hoạch của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện hiệu quả, đảm bảo vừa phát triển sản xuất, vừa lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Nắm sát tình hình trên cơ sở giám sát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, xử lý dịch kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin, chế phẩm sinh học để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai đầy đủ việc tiêm phòng vắc-xin và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để chủ động phòng dịch.

 



[[i]] Đến ngày 15/9/2021, cả nước có 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 982 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.146 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 173 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2021, phát triển chăn nuôi được 220.759 con trâu, bò; 234.506 con heo; 6.899.140 con gia cầm; 18.929 con dê (số liệu thống kê của Cục Thống kê Trà Vinh tại thời điểm 01/7/2021), tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại khoảng 75,12 ngàn tấn. Cấp phát 43.140 tài liệu bướm tuyên truyền các loại; tập huấn, tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản đến các hộ nuôi, các cơ sở sản xuất giống được 22 lớp, với 542 lượt người tham dự. Tiêm phòng vắc xin CGC cho 1.544.429 con gia cầm; vắc xin LMLM cho 92.857 con gia súc; vắc xin Tai xanh cho 4.410 con heo; vắc xin VDNC cho 161.662 con trâu, bò...Thực hiện 3 đợt tiêu độc khử trùng, phun xịt được 543.148 lượt hộ, diện tích 28.912.754 m2. Cấp 135,18 tấn hóa chất Chlorine cho các huyện, thị xã...

[[ii]] Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, chăn nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2021

[[iii]] Kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2021, phát triển chăn nuôi được 220.759 con trâu, bò; 234.506 con heo; 6.899.140 con gia cầm; 18.929 con dê (số liệu thống kê của Cục Thống kê Trà Vinh tại thời điểm 01/7/2021), tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại khoảng 75,12 ngàn tấn. Cấp phát 43.140 tài liệu bướm tuyên truyền các loại; tập huấn, tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản đến các hộ nuôi, các cơ sở sản xuất giống được 22 lớp, với 542 lượt người tham dự. Tiêm phòng vắc xin CGC cho 1.544.429 con gia cầm; vắc xin LMLM cho 92.857 con gia súc; vắc xin Tai xanh cho 4.410 con heo; vắc xin VDNC cho 161.662 con trâu, bò...Thực hiện 3 đợt tiêu độc khử trùng, phun xịt được 543.148 lượt hộ, diện tích 28.912.754 m2. Cấp 135,18 tấn hóa chất Chlorine cho các huyện, thị xã...

Huỳnh Quỳnh Trăm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y


 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới