Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020
       Ngày 24/12/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến ngành Nông nghiệp năm 2020. Đến dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn, cùng đại diện các bộ, ngành trung ương. Tại 63 điểm cầu có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành phố, các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan và các đơn vị trực thuộc Sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng (phía trên bên phải) tại đầu cầu tỉnh Trà Vinh

         Ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020 trong điều kiện đối mặt vi nhiu khó khăn, thách thc: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; Dịch tả lợn châu Phi tuy giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền. Tuy nhiên, Ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân trên cả nước đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh và đạt được một số kết quả như sau: 

         - Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

         - Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Tập trung cải tạo cơ cấu giống, kiểm soát, nâng tỷ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao.

         - Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và các dich bệnh khác.

         - Thủy sản phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Điều chỉnh cơ cấu nuôi, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Cơ cấu lại hoạt động khai thác, hiện đại hóa đội tàu cá, tàu hậu cần và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt 3,8 triệu tấn tăng 2,5%, nuôi trồng 4,56 triệu tấn tăng 1,4%.

         - Công tác phát triển rừng tiếp tục được Bộ và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng. Cả nước đã chuẩn bị được gần 850 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích trồng mới tập trung đạt 220 nghìn ha, đạt kế hoạch đề ra. Các biện pháp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; năm 2020 thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.458 tỷ đồng.

         Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế: Đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX NN hoạt động hiệu quả; việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ còn chậm; có thời điểm cung - cầu thịt lợn mất cân đối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây áp lực tăng lạm phát; Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; Tuy đã chủ động, cố gắng nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn; các nghiên cứu, tổng kết đánh giá, đưa ra các kịch bản với những tình huống thiên tai lớn, phức tạp còn hạn chế, chưa phù hợp thực tế; lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 chưa đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ, nhất là đối với vốn ODA.

         Trong buổi hội nghị còn nhận được một số ý kiến của địa phương, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Bộ Trưởng Bộ Công thương xung quanh các vấn đề về tái cơ cấu ngành, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

         Kết thúc hội nghị, Thủ tương Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo năm 2021: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy, sản từ 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất đạt trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70% (ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%; thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp (cả nước có 19.500 HTX NN, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả). Để đạt được các chỉ tiêu trên cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

         Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh.

         Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, sớm hoàn thành sửa đổi Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.

         Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở; xây dựng và triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

         Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.

         Năm là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính quản lý ngành nông nghiệp và tổ chức sự nghiệp công lập từ trung ương tới địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên môn ngành thú y và lực lượng bảo vệ rừng chủ rừng giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

                                                                                                        Mỹ Hòa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới