Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2018
Ngày 25/01/2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2018 có 50 đại biểu dự là đại diện của các Sở, ban ngành tỉnh, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân, Hội Thủy sản; Dự án AMD và Dự án SME Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh; đại diện các Công ty: Giống cây trồng miền Nam, Cổ phần Thủy sản Cửu Long, Cổ phần Trà Bắc, TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh; đại diện UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT và phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Chủ trì Hội nghị do ông Phạm Minh Truyền – Phó giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ của giám đốc Sở.

Ông Phạm Minh Truyền – Phó Giám đốc Sở phát biểu chỉ đạo Hội nghị

          Năm 2018, là năm ngành Nông nghiệp và PTNT gặp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Giá cả một số nông sản chủ lực luôn biến động ở mức thấp gây ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn Châu Phi; những yếu kém nội tại về sản xuất manh mún, phân tán, mặc dù từng bước khắc phục nhưng chưa đáp ứng của việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường...Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó và đưa ra các giải pháp khắc phục, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương; cùng với sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhờ đó mà hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch triển khai thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch được giao: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 27.309 tỷ đồng (vượt kế hoạch 5,04%, tăng 8,44% so với năm 2017) đạt mức cao nhất từ trước đến nay; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,1% (đạt 100% kế hoạch); Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước HVS đạt 93,52% (vượt 2,77% kế hoạch); Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới 09 xã (vượt 12,5% kế hoạch), cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:
          - Trong lĩnh vực trồng trọt tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện, tiềm năng của từng địa phương; duy trì và phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, cùng với việc chủ động phòng ngừa sâu bệnh nên năng suất, chất lượng và sản lượng các loại cây trồng đều gia tăng so với cùng kỳ; tổng diện tích gieo trồng màu cả năm 53.426 ha, tăng 650 ha so cùng kỳ, sản lượng 1,5 triệu tấn. Diện tích cây ăn trái và cây dừa tiếp tục được cải tạo và trồng mới được 1.331 ha, nâng tổng diện tích lên 39.700 ha, tăng 558 ha so với cùng kỳ, tổng sản lượng đạt trên 525 ngàn tấn, tăng 15 ngàn tấn so với năm trước; trong năm đã chuyển đổi 3.977 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và kết hợp hoặc chuyên nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn 1,5 đến 3 lần.
           - Trong chăn nuôi: Có bước phục hồi nhưng chưa ổn định, nhất là nuôi heo gặp khó khăn sau thời gian dài rớt giá, người nuôi bị thua lỗ dẫn đến tổng đàn giảm mạnh, đến quý II giá heo hơi có bước phục hồi và tăng đột biến nhưng chí phí tái đầu tư cao nên người nuôi rất thận trọng trong việc tái đàn. Bên cạnh những khó khăn trên, tình hình chăn nuôi của tỉnh cũng nhận được tín hiệu khả quan, giá bò hơi và gia cầm ổn định ở mức cao và có thị trường tiêu thụ nên tổng đàn phát triển tương đối khá. Nhiều kỹ thuật và công nghệ mới được ứng dụng vào chăn nuôi. Dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục được kiểm soát. Tổng đàn vật nuôi trong năm: Đàn trâu, bò 213.550 con (tăng 4.168 con so với năm trước), đàn heo 248.549 con (giảm 72.043 con), dê 19.391 con (giảm 399 con); gia cầm 4,886 triệu con (tăng 786 ngàn con)
            - Trong lĩnh vực thủy sản: Phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế của từng địa phương trước điều kiện biến đổi khí hậu, diện tích nuôi thủy sản nước mặn tăng đáng kể kết hợp với việc chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh và siêu thâm canh được mở rộng; khai thác thủy sản cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp cải hoán tàu có công suất lớn hơn nên sản lượng khai thác đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, mà sản lượng thủy sản thu hoạch được đạt trên 200 ngàn tấn đạt gần 100% kế hoạch, tăng hơn cùng kỳ trên 9,6 ngàn tấn.
           - Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Diện tích rừng phòng hộ tiếp tục được giữ vững, đã tập trung triển khai trồng rừng và trồng cây phân tán góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt kế hoạch đề ra là 4,1%.
           - Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới: Tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện; nhân dân ủng hộ, hưởng ứng, tham gia. Trong năm đã huy động 504,59 tỷ đồng triển khai thực hiện các công trình cơ bản và đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân. Có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số toàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn đạt 45,88%; bình quân mỗi xã đạt 14,7  tiêu chí, tăng 1,43 tiêu chí so với năm trước. Hoàn thành các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
            Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, nước sạch đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh cơ bản đạt yêu cầu; nhiều chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được thực hiện đã phát huy hiệu quả; từng bước củng cố và phát triển được các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX NN kiểu mới. Đầu tư công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành nông nghiệp thực hiện có sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của tỉnh.
           Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; chưa có nhiều loại nông thủy sản hàng hóa thế mạnh hình thành chuỗi giá trị ngành hàng hoàn chỉnh; diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác, kết hợp hoặc chuyên nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn còn ít; quan hệ sản xuất chậm đổi mới, kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả; một số hạn mục công trình triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ đề ra, giải ngân vốn còn chậm; xây dựng nông thôn mới tuy đạt kế hoạch nhưng chất lượng các tiêu chí chưa được nâng lên, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp và chịu nhiều rủi ro.
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Truyền – Phó giám đốc Sở hội nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện  trong năm 2019, cụ thể như sau:
           - Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đi theo chiều sâu, đổi mới thực chất tư duy làm kinh tế nông nghiệp, chú trọng khai thác các tiềm năng do biến đổi khí hậu mang lại và thế mạnh của 03 tiểu vùng ngọt – lợ - mặn, chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn.
           - Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản.
           - Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem đây là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành.
           - Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, quan trắc cảnh báo môi trường, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh để người sản xuất chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra; phân công cán bộ phụ trách địa bàn để chỉ đạo việc giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh kịp thời.
           - Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn để hạn chế tối đa các trường hợp hàng gian, hàng giả kém chất lượng gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng.
           - Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại và hình thành các mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Triển khai thực hiện đồng bộ 13 mô hình HTX NN kiểu mới có ít nhất 70% HTX đạt chuẩn để làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới.
            - Tiếp tục ưu tiên chỉ đạo và huy động nguồn lực cho phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 14 xã và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực và Đề án phát triển ngành nghề nông thôn.
           - Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương và địa phương đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. 
           - Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh; nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
          - Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành theo Thông báo số 358-TB/TU ngày 28/12/2017 của Tỉnh ủy về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội Nghị Tỉnh ủy lần thứ mười lăm (Khóa X); Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 07/01/2019. 

          Văn Minh
        Văn phòng Sở NN-PTNT
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới