Triển khai Kế hoạch Khuyến nông năm 2023

         Thực hiện Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định số 309/QĐ-SNN ngày 14/7/2023 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 25/7/2023, ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, đã tổ chức triển khai Kế hoạch Khuyến nông tỉnh Trà Vinh năm 2023 đến toàn thể viên chức, người lao động của đơn vị. Kế hoạch, gồm 04 nội dung chính.

         - Thứ nhất là về tập huấn, đào tạo, tổ chức 03 lớp tập huấn ToT cho cán bộ và cộng tác viên khuyến nông để nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn, phương pháp, kỹ năng khuyến nông; bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật; vai trò của cán bộ khuyến nông trong chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức 106 lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao khả năng tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại cho nông dân sản xuất hàng hóa, thành viên các hợp tác xã, trang trại sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế biến tiêu thụ,… 

Lớp tập huấn khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tổ chức

         - Thứ hai là về thông tin tuyên truyền, với các hoạt động: Viết tin, bài khuyến nông thông tin tuyên truyền trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin về chủ trương chính sách nông nghiệp của Đảng, Nhà nước; các kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết hợp với Đài Phát thanh Truyền hình xây dựng chuyên mục khuyến nông, phóng sự; tổ chức các cuộc tọa đàm khuyến nông nhằm giúp người dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Tổ chức và tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động; tổ chức các đoàn học tập, trao đổi tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các tỉnh bạn, trao đổi về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp giữa các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là việc xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp 4.0; đồng thời tham quan các vùng sản xuất nông nghiệp thế mạnh, các mô hình khuyến nông, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.

         - Thứ ba là về tư vấn và dịch vụ khuyến nông, dự kiến tư vấn và dịch vụ khuyến nông cho trên 10.000 lượt hộ. Bao gồm, các phương thức thực hiện như tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua các phương tiện thông tin truyền thông về chính sách pháp luật liên quan quan đến nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ,….

         - Thứ tư là tập trung triển khai 05 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, đó là:

         (1) Mô hình trồng cây ớt sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ. Nội dung: Xây dựng 01 điểm trình diễn, qui mô 01 ha trên vùng chuyên canh hoặc đất chuyển đổi, hỗ trợ đầu tư phát triển các giống mới năng suất cao, chất lượng theo hướng an toàn, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, từng bước vận động liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hình thành vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

         (2) Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất cho tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Nội dung: Xây dựng 01 điểm trình diễn, qui mô 60 ha lúa và 2 máy sạ cụm, chọn các giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng tưới nước tiết kiệm ngập khô xen kẻ nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, tiến bộ kỹ thuật bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, liên kết hình thành tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định, qui mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.

         (3) Mô hình trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung: Xây dựng 02 điểm trình diễn, hỗ trợ cây năng suất cao và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất chuyển đổi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế, đánh giá sự thích nghi của cây trồng mới với điều kiện thổ nhưỡng góp phần khai thác nguồn tài nguyên đất hiệu quả, sử dụng cây trồng có giá trị kinh tế cao.

         (4) Mô hình chăn nuôi heo rừng lai theo hướng an toàn sinh học gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nội dung: Hỗ trợ quy trình nuôi dưỡng heo thông qua việc cho ăn thức ăn từ nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp (bắp, khoai, cám gạo,...), nguồn đạm (các loại đậu, trùn quế, cá khô,...), rau xanh (thân chuối, rau xanh các loại) kết hợp với bổ sung thảo dược để tăng sức đề kháng cho heo. Ngoài ra, còn áp dụng quy trình nuôi giảm thiểu tác động đến môi trường và liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

         (5) Mô hình ứng dụng số hóa trong nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn kết hợp xử lý môi trường bằng hầm Biogas. Nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn tại địa bàn triển khai với diện tích 2 ha/2 hộ, từng bước hướng người nuôi ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quá trình sản xuất như hầm Biogas xử lý chất thải ao nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh, thuê hoặc mua hệ thống đo môi trường và xử lý tự động, hệ thống cung cấp oxy nano,... xử lý có hiệu quả chất thải trong quá trình nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nuôi xung quanh,... tập trung vào hình thức nuôi tôm thẻ thâm canh, thâm canh mật độ cao.

         Do thời gian đến cuối năm 2023 không còn nhiều, để thực hiện thắng lợi Kế hoạch, ông Lâm Quang Thảo, yêu cầu toàn thể viên chức, người lao động, các phòng chuyên môn thuộc đơn vị theo nhiệm vụ được phân công khẩn trương triển khai ngay Kế hoạch. Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các cấp, các Hội đoàn thể, như Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên trong quá trình triển khai thực hiện. Tuyên truyền các chính sách của nhà nước về nông nghiệp, về Khuyến nông, thông tin các mô hình thực hiện tại địa phương để người dân biết và đăng ký tham gia. Làm tốt vai trò của khuyến nông là cầu nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường, kết nối cung - cầu, hội nhập, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh và cải tiến các hoạt động thông tin tuyên truyền, làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ks. Nguyễn Hoàng Quang

 Trung tâm Khuyến nông

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới