Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực địa, hỗ trợ địa phương sản xuất nông nghiệp

         Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức đoàn khảo sát thực địa tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, dự án Hệ thống Thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Đon (viết tắt là dư án Đồng Đon) và Cồn Hô, huyện Càng Long để tham mưu, đề xuất phương án phát triển sản xuất nông nghiệp tại những nơi khảo sát. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm trưởng đoàn.

anh tin bai
Ông Trần Văn Dũng (thứ 3, bên phải), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
 khảo sát thực địa tại Dự án Đồng Đon (ngày 10/4/2024)

         Xã Tam Ngãi thường bị ngập úng cục bộ khi vận hành cống Tân Dinh và cống Bông Bót gây ảnh hưởng, thiệt hại hoa màu, cây ăn trái tại các ấp Bưng Lớn A, ấp Bưng Lớn B và ấp Bà My; bên cạnh đó, triều cường gây ngập úng tại ấp Ngãi Nhất và ấp Ngãi Nhì. Xã Tập Ngãi cũng là nơi có diện tích trồng ổi lớn của huyện Cầu Kè và của tỉnh (>75 ha, tập trung tại các ấp Giồng Nổi, ấp Bưng Lớn A và ấp Bưng Lớn B), gần đây xuất hiện dịch bệnh gây chết nhiều. Tỷ lệ chết ở một số vườn ổi lên đến 95% và phải chặt bỏ toàn bộ. Biểu hiện cây ổi mắc bệnh là lá ngọn một vài nhánh bị úa, héo vàng và rụng sớm; tiếp đến cành bị chết khô, chết dần từ các nhánh nhỏ đến các nhánh lớn và toàn bộ cây. Nhiều vườn ổi bị bệnh sau khi chặt bỏ toàn bộ và trồng mới lại, nhưng vẫn bị bệnh tấn công. Để khắc phục, địa phương kiến nghị các cấp, các ngành xem xét đầu tư xây dựng đê bao tại các ấp Ngãi Nhất, ấp Bà My và ấp Ngãi Nhì và hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm trồng cây ổi tại địa bàn xã.

         Dự án Đồng Đon (xã Long Hữu, huyện Duyên Hải và xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang) với mục tiêu chuyển đổi vùng đất lúa một vụ sản xuất kém hiệu quả và đất hoang hóa trở thành vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh theo hướng công nghiệp, tập trung một cách bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội ổn định bền vững. Đồng thời, tạo động lực xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng khu dân cư như điện, nước, giao thông nông thôn,... góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao mức sống của Nhân dân, bảo vệ môi trường.

         Diện tích nuôi trồng thủy sản (bao gồm hệ thống thủy lợi) của Dự án Đồng Đon khoảng 1.000 ha (tập trung phần lớn tại ấp 11, xã Long Hữu). Theo báo cáo của địa phương hiện có hơn 700 hộ nuôi tôm sú thâm canh và quảng canh, nuôi tôm thẻ ao đất, ao bạt công nghệ cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện gây khó khăn cho sản xuất. Địa phương kiến nghị các cấp, các ngành xem xét đầu tư xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vùng Dự án (xây dựng thêm 7 tuyến đường, 4 cây cầu - bọng, 6 tuyến đường điện - trạm điện).

anh tin bai

Khôi phục cây bưởi bị ảnh hưởng nhiễm mặn bằng cắt cành

(Hình chụp vườn bưởi nhà chú Hai Nguyên tại Cồn Hô, ngày 12/4/2024)

         Cồn Hô (thuộc ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ) có 26 hộ dân, diện tích đất nông nghiệp 25 ha, chủ yếu trồng bưởi, dừa. Cồn Hô có tuyến đê bao dài khoảng 3km, mặt đê 3m. Thời điểm Tết Giáp thìn vừa qua, triều cường gây sạt lở, vỡ đê gây ngập từ 0,5-1m và xâm nhập mặn làm ảnh hưởng 19 căn nhà, 25 ha vườn cây ăn trái và 0,44 ha ao nuôi cá. Địa phương kiến nghị, xem xét hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiên tai, dịch bệnh. Khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở, từ đó để xuất giải pháp khắc phục sạt lở hiệu quả. Về lâu dài, hỗ trợ địa phương vốn thực hiện dự án Di dời dân khẩn cấp khu vực sạt lở Cồn Hô.

         Qua khảo sát thực tế và ghi nhận kiến nghị của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo và tham mưu, đề xuất phương án phát triển sản xuất nông nghiệp cụ thể về Ủy ban nhân dân tỉnh.

anh tin bai
Đoạn đê Cồn Hô bị sạt lở thời điểm Tết Giáp thìn đã được khắc phục tạm thời,
 nhưng nguy cơ vẫn sạt lở tiếp tục (Hình chụp ngày 12/4/2024)

         Một số giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ các địa phương, đó là:

         - Lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh trên cây ổi tại xã Tam Ngãi và hướng dẫn người dân cách xử lý. Rà soát chính sách hỗ trợ thiên tai, chính sách hỗ giống cây trồng và khắc phục, xử lý cây trồng bị nhiễm mặn tại Cồn Hô. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, thực hiện các mô hình khuyến nông hoặc đề tài khoa học về phòng, trị bệnh và thay đổi giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện của xã Tam Ngãi và Cồn Hô.

         - Rà soát lại các kiến nghị của các địa phương về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị vận hành hoạt động cống Tân Dinh, cống Bông Bót và địa phương để hạn chế ngập úng tại xã Tam Ngãi.   

         - Khi thực hiện di dời dân Cồn Hô phải có sự đồng thuận của các hộ dân Cồn Hô. 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới