Kết quả chuyến học tập kinh nghiệm mô hình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại tỉnh Lâm Đồng

        Nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giao lưu học tập và trao đổi kinh nghiệm thực hiện và quản lý các mô hình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm. Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại tỉnh Lâm Đồng từ ngày 24-26/04/2024.

         Mục tiêu của chuyến học tập kinh nghiệm là trao đổi về công tác triển khai, tổ chức, thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm như rau, trái cây và sản phẩm từ thịt. Tham gia đi cùng Đoàn có đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng tỉnh Trà Vinh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. 

anh tin bai
Đoàn làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Chi cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Lâm Đồng

         Làm việc với đoàn, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Lâm Đồng, giới thiệu sơ lược về thế mạnh của tỉnh, với diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 328.000 ha trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 65.300 ha, tập trung phát triển các sản phẩm như cà phê, chè, rau quả, hoa, cây ăn quả, dâu tằm, ... hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 234 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn với sự tham gia của 31.092 nông hộ. Đồng thời tỉnh cũng xây dựng được 24 thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 21 nhãn hiệu đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.

anh tin bai

Tham quan chuỗi cà phê của công ty TNHH Tám Trình

          Trong chuyến đi, đoàn đã tham quan tại Công ty trách nhiệm hữu hạn cà phê Tám Trình với mô hình trồng, chế biến, kinh doanh cà phê kết hợp với du lịch trãi nghiệm. Mô hình đã thực hiện liên kết sản xuất với hơn 600 nông hộ, với diện tích cà phê trên 1.000 ha, sản phẩm được sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được Công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cam kết thu mua cà phê có giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, đặc biệt mua với giá cao hơn 20% cho nông hộ hái cà phê chín đạt cao hơn yêu cầu nhà máy. Sản lượng cà phê của Công ty hàng năm đạt khoảng 14.000- 15.000 tấn; thị trường tiêu thụ cà phê chủ yếu là Mỹ, Đức, Ý (chiếm 80%).

         Bên cạnh đó, đoàn được tham quan mô hình trồng rau củ quả trong nhà kín theo tiêu chuẩn Globalgap của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt F.A.R.M có diện tích 10 ha, sản lượng 4000 tấn/năm với các sản phẩm như ớt chuông, xà lách, bắp cải, cà chua Nova,... Đại diện công ty cho biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giống để sản xuất tại các trang trại của công ty được nhập hoàn toàn từ Hà Lan, quy trình trồng được thực hiện khép kín từ công đoạn gieo hạt đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói; sản phẩm được lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch, thị trường tiêu thụ chủ yếu là hệ thống siêu thị như Vin Mart, Big C, Lotte, AEON,...

          Ngoài ra, đoàn cũng đã tham quan mô hình trồng sản xuất trà (chè) của Công ty trách nhiệm hữu hạn trà Phú Sỹ tại xã Đambri, thành phố Bảo Lộc. Nông trại trồng trà có diện tích 36 ha với sản lượng 03 - 3,5 tấn/ha/năm. Đại diện cơ sở cho biết, công ty đã được chứng nhận ISO, HACCP cho xưởng sản xuất trà và đã xuất khẩu sang nhiều nước như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Pháp, ... 

anh tin bai
Đoàn tham quan mô hình sản xuất, chế biến trà

          Thông qua chuyến học tập và trao đổi kinh nghiệm mô hình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thực tế này đã giúp nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; các cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tiếp cận được những kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức sản xuất, kinh doanh và cách vận hành các mô hình liên kết để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo ra các sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. 

 

Trương Thanh Lai
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới