Đẩy mạnh số hóa nông nghiệp: Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển

         Đây là tiêu đề của Báo cáo tại Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức (hình thức trực tiếp và trực tuyến) vào ngày 14/5/2024. Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh và sản xuất. Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi theo chức năng nhiệm vụ để hỗ trợ công cụ cho quản lý nhà nước về lĩnh vực được giao, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước sản xuất nông nghiệp, dân sinh và nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Đảm bảo an toàn hồ chứa có hiệu quả, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp. 

anh tin bai
Trạm giám sát côn trùng và Trạm quan trắc nước tự động Láng Thé
 (Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy lợi Trà Vinh)

         Đồng thời, các doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm thực hiện số hóa, chuyển đổi số thông qua các công nghệ số vào các khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh, như: Lĩnh vực trồng trọt, áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng. Chăn nuôi và thú y, áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ vật nuôi bằng phần mềm. Hiện tại, ứng dụng công nghệ số nhiều nhất ở chăn nuôi bò sữa. Về lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ mã mạch trong quản lý giống và lâm sản; tự động hóa kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy chế biến gỗ; ứng dụng công nghệ để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Thủy sản, đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm trong khai thác thủy sản để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển; ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo giống; công nghệ trong nuôi thủy sản, phân tích chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi, chế biến thủy sản. Từ đó, giúp giảm nhân công, giảm chi phí sản xuất, giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Lĩnh vực kinh tế hợp tác, xây dựng, vận hành hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, triển khai phần mềm ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc. Về tiêu thụ nông sản, hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao. Về truy xuất nguồn gốc nông sản, rất nhiều sản phẩm nông sản được gắn tem truy xuất thông qua hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và truy xuất đến các cơ sở chế biến,...

anh tin bai

Nuôi heo điều khiển qua điện thoại thông minh tại Trà Vinh

         Tại tỉnh Trà Vinh, chuyển đổi số ngành nông nghiệp thời gian qua và đạt được kết ở nhiều lĩnh vực. 100% giấy phép liên quan nông nghiệp nông thôn thực hiện qua hành chính công; phát triển dịch vụ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (có trên 52 máy, thực hiện khoảng 15.000 ha/vụ); triển khai bẫy rầy thông minh - Trạm giám sát côn trùng (10 trạm, dự kiến năm 2024 triển khai thêm 15 trạm); ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật; sản xuất rau, màu trong nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ tự động (trên 80 cơ sở); định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm (được 82 mã, trong đó 25 mã phục vụ xuất khẩu); lắp đặt hệ thống quan trắc nước tự động (19 hệ thống); nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh, khép kín kiểm soát tự động từ nuôi đến phân phối sản phẩm (14 mô hình); 100% tàu cá (chiều dài >15m) lắp đặt giám sát hành trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; thực hiện bản đồ số trong lâm nghiệp; sử dụng máy bay không người lái giám sát, kiểm tra rừng trồng; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (trên 80% sản phẩm OCOP), trong đó có các sàn quốc tế; ứng dụng phần mềm Nhật ký sản xuất vùng và hệ thống phần mềm Kế toán hợp tác xã đến các HTX; tự động đo độ mặn, mực nước các vàm, cống điều tiết nước (15 trạm); lắp đặt cột phòng chống giông sét (2 cột),… Có thể thấy rằng, chuyển đổi nông nghiệp tỉnh Trà Vinh về phạm vi đã bao gồm hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi,... Về chất lượng, từng bước đáp ứng theo nhu cầu của từng lĩnh vực và của toàn ngành nông nghiệp.

anh tin bai
Một số giải pháp chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong thời gian tới
 (Nguồn: Tài liệu Hội nghị)

         Tuy vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới, đó là: Chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật; dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị; dữ liệu mở chưa khai thác, sử dụng được do không ở định dạng máy có thể đọc. Nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến các ngành, các lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức, tri thức chuyên sâu; thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin.  Các hướng dẫn, định mức, quy định về chi cho các hoạt động chuyển đổi số chưa có, hoặc chưa được giới thiệu, tập huấn, cán bộ, công chức gặp khó khăn trong công tác tham mưu, đề xuất nội dung, mức chi phù hợp với các quy định hiện hành. Thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện về cơ sở hạ tầng nền tảng; phần mềm nền tảng, dùng chung; cơ sở dữ liệu liên thông, chia sẻ, tích hợp; công tác quản trị và vận hành, cập nhật, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu, phần mềm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

 

 

 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới