Duy trì và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn

         Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng và phát triển ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu đối với cơ sơ sản xuất, kinh doanh, nó còn giúp cơ quan quản lý kiểm soát thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). 

Vùng trồng lúa (trái) sản phẩm gạo được xác nhận chuỗi (phải)
 của  Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp

         Thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT[i], Ngành nông nghiệp đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các tiêu chí để xác nhận chuỗi. Đến nay, có 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; trong đó, năm 2020, có 03 chuỗi được xác nhận với 11 sản phẩm, bao gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (1 sản phẩm gạo, hiệu Gạo Long Hiệp- Hạt Ngọc Rồng với sản lượng 24 tấn/năm) ; Công ty TNHH Trà Vinh FARM (1 sản phẩm Mật hoa dừa hiệu Sokfarm với sản lượng 14,4 tấn/năm) và Cửa hàng Nông sản an toàn thực phẩm Nam Loan (9 sản phẩm gồm: khổ qua, bầu, mướp, rau dền, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống, cải bẹ trắng và cải thìa với sản lượng 12 tấn/năm). Trong 9 tháng đầu năm 2021, phát triển và xác nhận thêm 02 chuỗi với 10 sản phẩm gồm: Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp (01 sản phẩm gạo với sản lượng 310 tấn/năm) và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ rau sạch (09 sản phẩm: rau dền, bí hồ lô, cải ngọt, mồng tơi, mướp hương, rau muống, cải bẹ trắng, cải thìa với sản lượng 350 tấn/năm).

         Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc kiểm soát tất cả các khâu liên kết từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn trong toàn bộ chuỗi đều được kiểm soát mối nguy ATTP, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho các nông sản thực phẩm của tỉnh. Qua đó, người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng sản phẩm; phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát ATTP theo chuỗi với sản phẩm khác để quyết định lựa chọn mua sản phẩm sử dụng; người sản xuất, kinh doanh tăng sản lượng, giá trị ổn định sản xuất và phát triển bền vững; cơ quan quản lý kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo nguyên tắc từ "trang trại tới bàn ăn"; truy xuất được nguồn gốc , xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Vùng trồng rau (trái) và cửa hàng kinh doanh sản phẩm được xác nhận chuỗi (phải)
 của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ rau sạch

         Để được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đối với cơ sở sản xuất ban đầu tham gia chuỗi (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản), cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản,…phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP hoặc chứng nhận tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO,… và tiêu chuẩn tương đương khác). Đối với cơ sở không thuộc diện cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP phải có bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, các sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán cho người tiêu dùng phải được cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về chỉ tiêu chất lượng, ATTP.

         Nhằm góp phần đảm bảo ATTP, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh nhà thông qua đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản theo Luật ATTP. Trong thời gian tới, Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong xây dựng, phát triển thêm chuỗi cung ứng thực an toàn, đảm bảo sản phẩm sản xuất theo quy trình an toàn được xác nhận, có tem nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được quảng bá và có nơi tiêu thụ ổn định, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mang lại hiệu quả kinh tế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sơn Sâm Phone

[i] Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc và Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới