“Chìa khóa vắc xin” cho công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

         Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò được phát hiện, mô tả lần đầu tiên tại Zambia vào năm 1929 và xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020. Bệnh chỉ xảy ra trên trâu, bò, không lây cho người và các loại gia súc khác. Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến ngày 21/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 trâu, bò mắc bệnh, trong đó 9.539 trâu, bò chết và tiêu hủy. Hiện cả nước còn 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày ở 210 huyện của 27 tỉnh, thành phố. Bệnh chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Bắc và Miền Trung. Tại tỉnh Trà Vinh, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn đến nay chưa phát hiện trâu, bò mắc bệnh VDNC.

Vết loét trên da, núm vú ở trâu, bò bệnh VDNC (Nguồn: FAO-GOALS-USAID)

 

         Theo dự báo của Cục Thú y, nguy cơ bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: Thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho các vật trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) phát triển; VDNC là bệnh mới ở Việt Nam nên công tác phòng, chống dịch của các tỉnh còn nhiều bất cập, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp và để tạo được miễn dịch cần tối thiểu 21 ngày. Tức là phải sau khi tiêm phòng 21 ngày thì trâu, bò mới có khả năng không bị bệnh, không giống như các loại vắc xin phòng bệnh khác.

         Điều đáng mừng là bệnh VDNC có vắc xin để phòng và đây được xem như “chìa khóa vàng” cho công tác phòng, chống dịch. Khác với bệnh Dịch tả heo Châu Phi đến nay vẫn chưa có vắc xin để phòng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép nhập khẩu 03 loại vắc xin sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng vắc xin nhập khẩu đảm bảo nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trên cả nước. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chỉ đạo triển khai thí điểm sử dụng vắc xin Đậu dê để tiêm phòng cho trâu, bò ở một số tỉnh đang có dịch và nguy cơ cao xảy ra VDNC. Kết quả trâu, bò được tiêm vắc xin Đậu dê không phát sinh bệnh VDNC, nhưng kiểm tra huyết thanh sau tiêm cho kết quả thấp, vì vậy chưa có đủ cơ sở khoa học để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sử dụng vắc xin Đậu dê để phòng, chống bệnh VDNC. Những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm đã ngăn chặn dịch bệnh rất hiệu quả. Nhờ tiêm phòng vắc xin mà tình hình dịch bệnh ở các tỉnh này đã được kiểm soát, số ổ dịch giảm từ 30-60%, không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.

Vắc xin phòng bệnh VDNC và vắc xin phòng bệnh Đậu dê (Nguồn: Internet)

 

         Quy trình tiêm phòng (theo FAO), đó là: (1) Toàn bộ đàn trâu, bò phải được tiêm phòng, bao gồm trâu, bò trưởng thành, bê, nghé và trâu, bò mang thai. (2) Bê, nghé từ mẹ đã được tiêm phòng hoặc bị nhiễm bệnh tự nhiên cần được tiêm phòng trong độ tuổi từ 3-4 tháng, hoặc tiêm riêng hoặc tiêm cùng đợt tiêm phòng tiếp theo. (3) Bê, nghé chưa tiêm phòng có thể được tiêm phòng ở mọi lứa tuổi. (4) Trong trường hợp phải vận chuyển trâu bò có tập quán du canh du cư, vận chuyển đến đồng cỏ chăn thả theo mùa vụ, trâu, bò cần được tiêm phòng trước khi vận chuyển 28 ngày (5) Trâu, bò mới mua về phải được tiêm phòng 28 ngày trước khi nhập đàn. (6) Trâu có thể được tiêm phòng với liều và cách thức tiêm giống như bò.

         Thông tin tại Hôi nghị trực tuyến Phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/5/2021, thì một số trường hợp tiêm phòng cho bê, nghé ở 3 tuần tuổi vẫn cho hiệu quả tốt. Về phạm vi tiêm phòng: Các địa phương đã, đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100km từ địa phương có dịch VDNC)[i]. Mặc dù vắc xin được xem như “chìa khóa vàng” cho công tác phòng, chống bệnh VDNC, nhưng từ kinh nghiệm của các tỉnh thì cần áp dụng các giải pháp đồng bộ khác, và một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả tác phòng, chống dịch là sử dụng hóa chất tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… cắt đứt nguồn trung gian truyền bệnh.

         Có những trở ngại cho công tác tiêm phòng vắc xin mà các tỉnh đang gặp phải, như: Lứa tuổi tiêm, thời gian tiêm lập lại, chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin, cần tập huấn phòng, chống bệnh VDNC cho các tỉnh do đây là bệnh mới, thời gian để tạo được miễn dịch sau tiêm vắc xin dài (cần tối thiểu 21 ngày), trâu, bò phần lớn nuôi nhỏ, lẻ, thả rông,… Về chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin, nhiều tỉnh cho rằng giá vắc xin cao so với thu nhập của người dân[ii] đề nghị Trung ương hỗ trợ vắc xin cho địa phương, hoặc có chính sách hỗ trợ vắc xin cho người chăn nuôi trâu, bò, hoặc nếu xã hội hóa tiêm phòng vắc xin cần quy định đối tượng chăn nuôi được miễn phí, đối tượng chăn nuôi thuộc dạng xã hội hóa,… Về chủ trương miễn phí tiêm phòng vắc xin bệnh VDNC, tại Hôi nghị trực tuyến Phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước hết các địa phương cần thực hiện xã hội hóa, tăng cường tuyên truyền vận động người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng, chống bảo vệ vật nuôi, tức là bảo vệ tài sản của chính mình và gia đình. Cần làm cho người chăn nuôi hiểu số tiền bỏ ra chỉ chiếm một tỷ nhỏ so với giá trị của một con trâu, bò nhưng nếu trâu, bò bị bệnh sẽ thiệt hại rất lớn,...

         Thời gian qua, ngành chăn nuôi luôn phải thường xuyên ứng phó với dịch bệnh Cúm gia cầm, Heo tai xanh, Lở mồm long móng và gần đây còn phải đối mặt với những dịch bệnh nguy hiểm mới. Năm 2019 bệnh Dịch tả heo Châu Phi và hiện tại là bệnh VDNC. Tỉnh Trà Vinh mặc dù chưa xuất hiện bệnh VDNC nhưng kinh nghiệm từ bệnh Dịch tả heo Châu Phi cho thấy, ngay từ bây giờ tỉnh cần phải tích cực chủ động phòng, chống thì mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Trà Vinh chưa thuộc địa phương phải tiêm phòng vắc xin, vì vậy cần phải tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, mua bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, mua bán trâu, bò không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò. Tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống, cần nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh VDNC rất nhanh, rất rộng, tổn thất kinh tế lớn. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại cấp huyện, cấp xã. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động[iii],…  

Văn Đoái



[i] Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin phòng bệnh VDNC ở trâu, bò

[ii]Theo báo giá của một Công ty CPKD thuốc thú y, giá vắc-xin VDNC tháng 12/2020 là 850.000 đồng/lọ/25 liều (bao gồm VAT) tức là khoảng 34.000 đồng/liều

[iii] Thông tin, số liệu sử dụng tại Hôi nghị trực tuyến Phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/5/2021. Tại điểm cầu Trà Vinh do ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới