Trà Vinh khẩn trương khắc phục sạt lở đoạn đê Tả Hữu sông Cổ Chiên

         Tuyến đê Tả Hữu sông Cổ Chiên thuộc địa phận 02 xã Long Hòa và Hòa Minh huyện Châu Thành  có tổng chiều dài 41,32 km từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn triều cường, bảo vệ đất sản xuất của người dân và hạn chế tình trạng xói lở bờ sông. Tuy nhiên đợt triều cường dâng cao từ ngày 16/12/2020 đến 13/01/2021 kết hợp với gió mùa Đông Bắc thổi mạnh (gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8), tạo sóng lớn va đập trực tiếp vào bờ làm vở bờ bao phía ngoài của hộ dân và gây sạt lở đoạn đê Tả Hữu sông Cổ Chiên (đê cửa sông), với tổng chiều dài khoảng 200m thuộc ấp Rạch Giồng xã Long Hòa, huyện Châu Thành, ăn sâu vào thân đê, sát mép đường đan (mặt đê), nguyên nhân do đoạn sạt lở trên trực diện với sông (mất đai rừng bảo vệ) thường xuyên phải chịu tác động bởi dòng chảy mạnh, sóng lớn mỗi khi triều cường dâng cao. Ngay thời điểm sạt lở, địa phương đã huy động lực lượng dân quân, biên phòng tổ chức xử lý giờ đầu để tạm giữ ổn định tuyến đê. Tuy nhiên giải pháp xử lý của địa phương chỉ mang tính tạm thời, nên đến thời điểm hiện tại không đảm bảo. Qua khảo sát hiện đoạn đê tiếp tục bị sạt lở, khoét sâu vào thân đê, khả năng vở đê là rất cao trong các đợt triều cường tiếp theo. Tuyến đê Tả Hữu sông Cổ Chiên là tuyến đê cửa sông khép kín, ngoài nhiệm vụ ngăn triều cường, còn là tuyến đường giao thông chính và cũng là tuyến đường phục vụ công tác di dời, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới trên địa bàn 02 xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành.

          Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai và thực trạng của đoạn đê Tả Hữu sông Cổ Chiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí bị sạt lở, nhất là những vị trí xung yếu, để có giải pháp xử lý kịp thời. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đề xuất giải pháp và đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí khắc phục sạt lở đoạn đê Tả Hữu sông Cổ Chiên chiều dài 200m với số tiền 2.930 triệu đồng.

Hiện trạng đê bị sạt lở

         Ngoài sạt lở đê Tả Hữu sông Cổ Chiên, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn phát sinh nhiều vị trí sạt lở, với tổng chiều dài 34.183m, trong đó có 4.043m đê bao, bờ bao sạt lở nguy hiểm. Các vị trí sạt lở nguy hiểm đều được đưa vào kế hoạch khắc phục; những vị trí sạt lở bình thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền địa phương vận động Nhân dân gia cố bằng biện pháp tại chỗ như: Trồng cây dừa nước, cây bần, cây đước,… để bảo vệ. Những trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí khắc phục.

         Bên cạnh việc khắc phục sạt lở, sụt lún bằng biện pháp công trình, công tác tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phòng, ngăn ngừa xử lý sạt lở, sụt lún cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân về nâng cao ý thức bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi, khi người dân phát hiện các công trình đê điều, thủy lợi bị sạt lở, sụt lún cần báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn để sớm có giải pháp khắc phục. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai) đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức người dân về tác động của biến đổi khí hậu (WB9) được 16 lớp, với 378 lượt người dự và tập huấn công tác PCTT hỗ trợ xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao là 30 lớp với 762 người dự.

         Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tạo ra các trạng thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm, vì vậy, tình trạng sạt lở, sụt lún các công trình đê điều (như đê Tả Hữu sông Cổ Chiên) có thể còn xảy ra. Việc phát hiện sớm và khắc phục nhanh chóng sạt lở, sụt lún là hết sức quan trọng, sẽ hạn chế, giảm thêm được thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Văn Sao

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới