Tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

         Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS ngày 06/01/2021 về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản thay thế Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ngày 05/5/2017.

         Theo đó, để tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản đang triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và các quy định có liên quan của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố ven biển tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm một số nội dung, giải pháp công tác quản lý tàu cá như: Tăng cường công tác quản lý tàu cá; quản lý thuyền viên và người làm việc trên tàu cá; tiếp tục hướng dẫn ngư dân thực hiện đẩy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá; thực hiện nghiêm quy định về đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá… Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá vào Sổ danh bạ thuyền viên, trong đó lưu ý việc đảm bảo đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu cá; đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ thuyền viên quy định… Tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động và thống kê báo cáo danh sách về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để công bố trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công bố mở, đóng cảng cá theo thẩm quyền đối với cảng cá loại II và cảng cá loại III theo quy định… Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tàu cá theo quy định. Kiên quyết không cho rời cảng đi khai thác đối với các trường hợp tàu cá không đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu cá; không lắp đặt đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá; tàu cá sử dụng lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động. Chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với các tàu cá vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá… Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tàu cá, thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm đảm bảo an toàn cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản…

Tàu cá của ngư dân thị trấn Định An, huyện Trà Cú cập cảng cá Định An bốc dỡ hải sản sau chuyến biển an toàn

 

         Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có 1.117  tàu cá với khoảng 4.500 lao động khai thác hải sản, công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản luôn được Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện. Trước khi ra khơi, các tàu cá đều được kiểm tra, kiểm soát kỹ về điều kiện an toàn. Đặc biệt, công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá được triển khai chặc chẽ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá bị hư hỏng trên biển. Đồng thời, trước mỗi mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản đều tiến hành kiểm tra, nhắc nhở ngư dân trang bị các thiết bị cần thiết trước khi vươn khơi và hướng dẫn ngư dân phải thường xuyên giữ liên lạc để được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra. Khi gặp điều kiện thời tiết nguy hiểm trên biển, ngư dân phải tuân thủ hướng dẫn, đưa tàu thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn…

Chi cục Thủy sản phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá trên biển

 

Nguyễn Thừa Thịnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới