Một số lưu ý trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Trong những năm qua, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển, diện tích tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2016: 43.000 ha, năm 2017: 52.875 ha, năm 2018: 56.012 ha, năm 2019: 54.000 ha. Tuy nhiên, song song với phát triển nuôi trồng thủy sản thì công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề cần phải quan tâm. Do đó, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cần lưu ý một số quy định sau:

         1. Trường hợp dự án nuôi trồng thủy sản có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên (riêng nuôi quảng canh từ 50 ha trở lên):

         Căn cứ Mục 70 (cột 3) Phụ lục II Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện dự án.

         1.1.  Thành phần hồ sơ:

         - 01 văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Mẫu số 05 Phụ lục VI Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

         - 01 bản báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án đầu tư hoặc các tài liệu tương đương.

       - 07 quyển báo cáo đánh giá tác động môi trường (trường hợp số lượng thành viên Hội đồng thẩm định nhiều hơn 07 người thì chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường), cấu trúc và nội dung báo cáo theo Mẫu số 04 Phụ lục VI Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

         1.2. Thời hạn thẩm định, phê duyệt: 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

         1.3. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Gửi hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hoặc qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao

 

         2. Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có diện tích mặt nước từ 05 ha đến dưới 10 ha (riêng các dự án nuôi quảng canh từ 10 ha đến dưới 50 ha):

Căn cứ Mục 70 (cột 5) Phụ lục II Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì thuộc đối tượng phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận trước khi triển khai thực hiện dự án.

         2.1. Thành phần hồ sơ:

         - 01 văn bản đề nghị đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, cơ sở theo Mẫu số 01 Phụ lục VII Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

         - 03 bản Kế hoạch bảo vệ môi trường (kèm theo bản điện tử) của dự án, cơ sở theo Mẫu số 02 Phụ lục VII Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

         - 01 báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của dự án, cơ sở (kèm theo bản điện tử).

         2.2. Thời hạn xem xét, xác nhận: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

         2.3. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Gửi trực tiếp tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND cấp huyện hoặc qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính công ích) hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

         3. Trường hợp dự án nuôi trồng thủy sản (nếu không có hạng mục nào khác ngoài lượng nước thải từ hoạt động nuôi trồng) có diện tích mặt nước dưới 05 ha: Không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ dự án phải thực hiện việc quản lý, xử lý chất thải và các nghĩa vụ khác về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

         * Các biện pháp quản lý chất thải phát sinh:

         Thực hiện theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thì các biện pháp quản lý chất thải đối với các dự án nuôi tôm như sau:

         1. Ao xử lý nước thải, chất thải

         - Có khu xử lý nước thải chung của vùng nuôi hoặc riêng của cơ sở nuôi.

         - Diện tích tối thiểu 15% tổng diện tích cơ sở nuôi. Bờ ao chắc chắn bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.

         - Vị trí ao xử lý nước thải, chất thải phải cách xa tổi thiểu 10 m ao nuôi, chứa, lắng trong và ao nuôi của cơ sở nuôi liền kề.

         2. Xử lý nước thải

         - Nước từ ao xử lý nước thải chỉ được xả ra môi trường xung quanh khi bảo đảm các thông số kỹ thuật theo quy định hiện hành có liên quan.

         - Tùy theo diện tích của cơ sở nuôi có thể xử lý nước thải theo một trong các phương pháp sau:

        + Phương pháp sinh học: Nước từ ao nuôi xả vào ao chứa nước thải; trong ao chứa nước thải nuôi cá rô phi, cá đối, trồng cây cỏ thủy sinh,… kết hợp với xử lý vi sinh để lọc sinh học. Áp dụng phương pháp tuần hoàn nước để tái sử dụng lại cho ao nuôi.

        + Phương pháp hóa học: Nước từ ao nuôi xả vào ao chứa nước thải, sử dụng chất diệt khuẩn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để tiêu diệt các vi sinh vật gây hại và làm giảm các thông số ô nhiễm hữu cơ. Lưu giữ nước trong ao chứa tối thiểu 07 ngày mới được tái sử dụng lại cho ao nuôi.

         + Phương pháp lọc cơ học: Sử dụng cát, than hoạt tính,… để lọc cơ học, sau đó tái sử dụng lại cho ao nuôi.

         3. Xử lý khí thải

         - Khuyến khích cơ sở nuôi xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas.

         + Đối với chất thải như vỏ tôm, phân tôm, thức ăn dư thừa,… được xiphông đưa vào hố gas; vỏ tôm được thu gom và phải có nơi để xử lý hoặc làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón cho cây trồng; phân tôm, thức ăn dư thừa được đưa vào hầm ủ Biogas để tạo khí đốt.

         + Nước thải từ hầm ủ Biogas chảy tràn qua hệ thống ống dẫn nước đưa vào ao lắng xử lý sinh học trước khi thải ra bên ngoài hoặc tuần hoàn cấp vào ao nuôi.

         - Chất lượng nước đầu ra phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.

         - Bùn thải trong quá trình nuôi phải thu gom, để đúng nơi quy định và xử lý tránh gây ô nhiễm cho vùng nuôi.

         - Phải giữ vệ sinh chung trong và ngoài khu vực ao nuôi. Rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được thu gom cho vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa, lắng.

Biên tập lại - Mộng Hằng

2 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới