Người dân cần chủ động ứng phó nguy cơ thiếu nước mùa khô 2020-2021

         Từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức thấp. Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô, hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước. Vì vậy, năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng[[i]].

         Theo dự báo, xâm nhập mặn năm 2020-2021 có thể ảnh hưởng từ 14.000-16.000 ha lúa và nguy cơ gây thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 1.400 hộ của tỉnh[[ii]]. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, bên cạnh sự hỗ trợ và các giải pháp của các cơ quan, chính quyền các địa phương, thì ngay từ lúc này, người dân cần có giải pháp chủ động tích trữ nước ngọt, bảo vệ và sử dụng nguồn nước ngọt một cách hợp lý, khoa học.

         - Không có những hoạt động làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, như: Vứt xác động vật chết hoặc rác thải bừa bãi xuống kênh, mương, ao, hồ, sông; không lạm dụng phân, thuốc trong trồng trọt; không thải chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường; không sử dụng cầu cá,... Những hoạt động này, ngoài vấn đề gây ô nhiễm nguồn nước còn gây nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh cho người, động vật. Nhất là các bệnh tiêu chảy do nước bị nhiễm khuẩn Ecoli, viêm da, hoặc các bệnh đau mắt. Tại Việt Nam, theo thống kê mỗi năm có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, và phát hiện 100.000 trường hợp ung thư mỗi năm mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm[[iii]].

Không sử dụng cầu cá để bảo vệ nguồn nước 

         - Mỗi gia đình, cần có giải pháp phù hợp để tích trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ. Có thể tích trữ nước mưa bằng lu, khạp, kiệu, bể chứa, bồn chứa, túi nhựa,… nhưng lưu ý cần phải che, đậy cẩn thận, tránh động vật hoặc chất bẩn rơi vào và tạo môi trường cho muỗi sinh sản gây bệnh; kiểm tra thường xuyên tình trạng rò, rỉ gây thất thoát nước.

         - Xử lý ao tù, nước đọng. Nạo vét kênh, mương chứa nước, vớt các vật cản như lục bình, cỏ, rác làm thông thoáng dòng chảy, đảm bảo khả năng tưới nước, giữ nước và thoát nước. Chủ động tích trữ nước ngọt trong kênh, mương nội đồng, các mương vườn để phục vụ cho sản xuất. Sửa chữa cống, bọng, củng cố bờ bao để kiểm soát và ngăn mặn vào kênh, mương.

         - Triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Sử dụng thiết bị, vật tư, phụ kiện tiết kiệm nước. Tận dụng nước đã qua sử dụng để tái sử dụng (nếu có thể). Để giảm lượng nước thải, nên sử dụng thau khi rửa chén, rửa rau hay cọ rửa đồ vật. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào mục đích khác như cọ rửa, lau nhà. Nước không có xà bông có thể dùng để tưới cây, tưới đường[[iv]].

         - Thay đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước. Đưa cây màu có thị trường tiêu thụ (bắp nếp, đậu phộng và các loại màu) luân canh trên đất lúa. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất[[v]]. Áp dụng kỹ thuật trong tưới tiết kiệm nước, như tưới nhỏ giọt, ủ gốc giữ ẩm cho cây. Tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết để chủ động tích trữ nước ngọt, tránh ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Ngoài nước sử dụng sinh hoạt, trong trường hợp cấp thiết, cần ưu tiên nguồn nước cho vật nuôi và cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 

Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước

 

         - Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn để có biện pháp chủ động và phối hợp tốt với cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc ứng phó với tình trạng thiếu nước[[vi]].

Văn Đoái



[[i]] Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long

[[ii]] Ngọc Thắng – Minh Đãm (2020), Thủ tướng: Chủ động sớm nhất, giảm thiểu thiệt hại hạn mặn mùa khô 2020-2021. https://nongnghiep.vn/thu-tuong-chu-dong-som-nhat-giam-thieu-thiet-hai-han-man-mua-kho-2020-2021-d273749.html, truy cập ngày 09/10/2020

[[iii]] Thực trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam và hướng giải quyết (2019). https://chuyengiamaylocnuoc.vn/thuc-trang-o-nhiem-nguon-nuoc-tai-viet-nam-va-huong-giai-quyet/, truy cập ngày 03/10/2020

[[iv]] Mai Thị Thùy Dương, Nguyễn Lan Phương, Trần Văn Quang, Phan Thị Kim Thủy, Binaya Raj Shivakot (2019), Giải pháp sử dụng nước hợp lý trong các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. https://ebookxanh.com/tai-lieu/giai-phap-su-dung-nuoc-hop-ly-trong-cac-ho-gia-dinh-tren-dia-ban-thanh-pho-danang-1156890.html, truy cập ngày 03/10/2020

[[v]] Báo cáo số 100/BC-UBND ngày 04/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đánh giá tác động của tỉnh hình hạn, mặn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Trà Vinh năm 2020

[[vi]] Trong bài viết có sử dụng nội dung từ: Công văn số 3804/UBND-NN ngày 18/9/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1584/SNN-BVTV ngày 03/9/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai các giải pháp cánh tác lúa trong điều kiện hạn, mặn

 

 

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới