Phòng, chống bệnh lở mồm long móng
Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) thuộc Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch[i]. Đây là bệnh truyền nhiễm ở các loài động vật móng guốc chẵn, lây lan mạnh, gây ra bởi loài virus thuộc họ Picornaviridae, giống Aphthovirus. Virus có 7 type là: A, O, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3 với hơn 60 phân type. Ở Việt Nam đã phát hiện type O, A và Asia 1. Triệu chứng của động vật mắc bệnh: Sốt cao trên 40°C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng, nhất là ở heo. Sau khi phát bệnh 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật (heo: 03-04 tuần, trâu bò: 02-03 năm, cừu: 09 tháng, dê: 04 tháng) và được bài thải ra môi trường làm phát sinh và lây lan bệnh[ii].

Mụn nước nổi ở kẽ chân bò bệnh LMLM
 
          Thời gian gần đây bệnh xảy ra tại nhiều tỉnh như: Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long,... và có nguy cơ lây lan diện rộng, diễn biến phức tạp[iii]. Tại Trà Vinh, trong hai tháng 10 và 11/2019, bệnh LMLM (và nghi bệnh LMLM) đã xảy ra tại 11 xã của hai huyện Cầu Kè (05 xã) và huyện Trà Cú (06 xã) với tổng số 164 con bò mắc bệnh, chết 06 con (tỷ lệ 3,66%). Nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới nguy cơ bệnh có thể lây lan nhanh, khó kiểm soát. Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã hai lần xảy ra bệnh LMLM, lần đầu vào tháng 02-3/2019 trên đàn heo tại hai xã của hai huyện Châu Thành và huyện Trà Cú, với 50 con mắc bệnh[iv].

           Trước diễn biến nhanh của bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh LMLM (ngày 29/11/2019) chỉ đạo chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt cùng với cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các giải pháp kỹ thuật, độ an toàn của vaccine LMLM để người chăn nuôi hiểu và hợp tác trong tiêm phòng, phòng chống bệnh; cần phải quản lý tốt về dịch vụ thú y, trường hợp cần thiết có thể thu hồi giấy phép, xử phạt vi phạm hành chính,…[v]
Về các giải pháp phòng, chống bệnh LMLM thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tóm lược)[vi]: (1) Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, phát sinh các ổ dịch mới; (2) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành; (3) Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng; (4) Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch (100% gia súc) và các địa bàn có nguy cơ cao (80% gia súc); (5) Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; (6) Thực hiện tốt công tác báo cáo dịch; (7) Tổ chức kiểm tra tại các ổ dịch và vùng nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống; (8) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường.

[i] Phụ lục 01 Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch; Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh (ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT).

[ii]Phụ lục 10 Hướng dẫn phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (Ban  hành  kèm  theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

[iii] Công điện khẩn số 8799/CĐ-BNN-TY ngày 23/11/2019  của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh Lở mồm long móng ở gia súc.

[iv] Hội nghị phòng chống dịch bệnh LMLM ngày 29/11/2019 tại Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.

[v] Luật Thú y (2015): “…cá nhân hành nghề thú y khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất” (khoản 1 Điều 19); “…cá nhân hành nghề thú y khi chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch bệnh động vật, vùng có dịch phải theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y…” (khoản 2 Điều 20).

[vi] Công điện khẩn số 8799/CĐ-BNN-TY ngày 23/11/2019  của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh Lở mồm long móng ở gia súc.
 
Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới