Hướng đi mới cho người chăn nuôi: Nuôi vịt đẻ an toàn sinh học kết hợp nuôi cá

Từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh thực hiện hai mô hình “Chăn nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh học” tại hộ Kiều Thị Trúc Linh và hộ Nguyễn Thị Mỹ Kiều thuộc ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi và Khóm 5, Thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần.

Quy mô mỗi mô hình là 500 con vịt giống bố mẹ chuyên trứng TC. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí mua con giống (một ngày tuổi), 30% thức ăn và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy trình an toàn sinh học trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Phần đối ứng của hộ bao gồm chi phí 70% thức ăn còn lại, xây dựng chuồng trại, mua dụng cụ, thuốc thú y, vaccine và công chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chuồng nuôi vịt được xây dựng trên bờ ao hoặc làm sàn trên mặt nước, diện tích tối thiểu 180 m2. Nếu làm sàn, cần lưu ý lỗ sàn phải phù hợp với từng lứa tuổi vịt, sàn cách mặt nước từ 0,4-0,6 m, không có vật sắc, nhọn.

Mỗi con vịt cần 4 m2 mặt nước, độ sâu của ao tối thiểu 1,4 m, nước trong ao được thay định kỳ. Cá nuôi gồm: cá phi, cá chép… thả trước khi bắt vịt về nuôi 7-10 ngày; mật độ thả nuôi dưới 10 con/m2 mặt nước tùy theo kích cỡ của cá (nếu thả thưa không cần cung cấp thêm thức ăn cho cá).

Kết quả ghi nhận sau hơn sáu tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt của vịt là 2% (chủ yếu ở giai đoạn úm); chuyển qua nuôi đẻ đạt trên 87%, trọng lượng trung bình 1,2-1,4 kg/con; tuổi đẻ quả trứng đầu tiên ở 18 tuần tuổi, trọng lượng trứng trên 50gr/quả; tỷ lệ đẻ đạt 50% ở 25 tuần tuổi. Về cá, chưa thu hoạch, nhưng nhìn chung ở cả hai mô hình đều phát triển tốt.

            

Khách tham quan mô hình tại hộ Kiều Thị Trúc Linh (xã Tập Ngãi)

 

Theo hộ Kiều Thị Trúc Linh, nuôi vịt kết hợp nuôi cá có ưu điểm là tận dụng phân, thức ăn thừa của vịt làm thức ăn cho cá từ đó giảm chi phí, tăng thu nhập, vì ngoài nguồn thu từ bán vịt, trứng hộ có thêm nguồn thu từ cá.

Hộ Nguyễn Thị Mỹ Kiều cho rằng, vịt chuyên trứng TC có sức kháng bệnh cao, tỷ lệ vịt con chết giai đoạn úm thấp hơn một số giống vịt khác hộ đã từng nuôi. Vịt nuôi nhốt nên người nuôi dễ phát hiện, xử lý khi vịt bị bệnh hoặc gặp sự cố. Hộ ước tính, nếu giá bán trứng giữ ở mức 2.000-2.200 đồng/quả, thì sau 18 tháng nuôi hộ sẽ thu về khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán trứng.

Ông Trần Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Tập Ngãi nhận xét, mô hình nuôi kết hợp vịt-cá dễ áp dụng, làm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, vịt nuôi tập trung có sự quản lý, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn làm giảm mùi hôi, giảm gây ô nhiễm môi trường, giảm rủi ro về dịch bệnh. Đây là mô hình tốt mà trong thời gian tới địa phương sẽ khuyến cáo nhân rộng, giúp người dân chuyển đổi từ nuôi vịt thả lan (chạy đồng) sang nuôi nhốt.

Hội thảo về mô hình

Có thể thấy, mô hình “Chăn nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh học” tiếp tục là một trong nhiều mô hình phát triển chăn nuôi thành công, hiệu quả mà Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã và đang triển khai, thực hiện qua các năm. Mô hình Chăn nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh học” sẽ góp phần chuyển đổi từ chăn nuôi thả lan dễ làm phát tán, lây lan, khó kiểm soát về dịch bệnh sang chăn nuôi tập trung, an toàn có kiểm soát. Đây là hướng đi mới cho người chăn nuôi.

Bài và ảnh: ThS. Lưu Văn Phúc

Trưởng phòng Chăn nuôi-Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới