Những thành tựu của Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sau 15 năm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

         Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IXvề đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

        Thực hiện Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 18/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt nhiều kết quả khả quan như:

        * Trên lĩnh vực trồng trọt

        - Mô hình công nghệ sinh thái trên ruộng lúa đã trồng hoa trên 14.000 mét bờ ruộng. Giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu từ 1-2 lần/vụ. Tạo cảnh quang đẹp và thể hiện văn hóa trên đồng ruộng. Tạo sự đa dạng sinh học góp phần trong công tác phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa bằng biện pháp đấu tranh sinh học, hạn chế sử dụng thuốc BVTV giúp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

        - Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ mới: Đã xây dựng mô hình trình diễn và khảo nghiệm các giống lúa mới, lúa lai có năng suất, chất lượng cao hơn các giống lúa cũ và thích nghi với điều kiện của địa phương. Mô hình kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác mới giúp tăng năng suất từ 0,5 - 1,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 20 triệu đồng/ha.

        - Mô hình trình diễn lúa hữu cơ ST 5 an toàn sinh học, giúp hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học nhằm tránh ô nhiễm môi trường, không gây thiệt hại đối với nguồn lợi thủy sản đặc biệt là mô hình kết hợp (lúa – tôm, lúa – cá).

         - Thực hiện mô hình ứng dụng phân vi sinh Dasvila trên lúa giúp giảm chi phí đầu tư và năng suất cao hơn so với sản xuất đại trà 2 tấn/ha. Sử dụng phân vi sinh đảm bảo môi trường an toàn, vệ sinh thực phẩm và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mô hình ứng dụng phân vi sinh trên cây lúa

         - Mô hình ứng dụng biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp sinh học. Kết quả đã nhân nuôi và thả ra tự nhiên trên 20.000 mummy (tương đương 1.200 triệu ong ký sinh) và 13.000 bọ đuôi kìm. Có trên 4.800 điểm trên toàn tỉnh đã phóng ong ký sinh và bọ đuôi kìm. Phần lớn vườn dừa đã phục hồi, hiện tại ong ký sinh và bọ đuôi kìm tạo được quần thể ngoài tự nhiên.

         - Mô hình sử dụng phân bón chậm tan thông minh Rynan trên cây đậu phộng, kết hợp phân hữu cơ vi sinh giúp năng suất tăng 1,0 tấn/ha. Lợi nhuận trung bình cao hơn sản xuất đại trà 12 triệu đồng/ha, góp phần làm giảm lượng phân hóa học, hạn chế sâu bệnh, giảm công tưới nước, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế, ít ảnh hưởng đến môi trường phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay.

         - Mô hình ứng dụng công nghệ chuyển gen trên cây bắp làm tăng năng suất bình quân đạt 1 – 2 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 30 triệu/ha/vụ. Mô hình giúp người dân thay đổi dần tập quán sản xuất 3 vụ lúa/năm, từng bước chuyển đổi cơ cấu 2 vụ lúa 1 vụ màu. Đã góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất và đẩy nhanh tiến bộ đa dạng hóa cây trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

         - Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn mía: Công ty TNHH Hudavil Trà Vinh sử dụng phụ phẩm sản xuất mía đường như: Bã bùn mía, tro lò và than bùn phân hữu cơ vi sinh Hudavil Trà Vinh (3%NPK); phân vi sinh Hudavil Trà Vinh –TE (6%NPK); phân hữu cơ đa vi lượng Hudavil Trà Vinh – TE (11%NPK) với công suất khoảng 7.000 tấn/năm.

         - Mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên rau, màu: Hiện có 60% diện tích trồng rau, màu các loại đã sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón lót và cải tạo đất góp phần hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế, ít ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp.

         * Trên lĩnh vực chăn nuôi

         - Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, giúp đàn heo tăng trọng bình quân 650 gr/con/ngày, khả năng tiêu tốn thức ăn 2,6 kg so với trước đây là 2,8 kg. Chi phí điện nước giảm từ 300.000 – 500.000 đồng/đợt nuôi, giảm công lao động và thời gian chăm sóc, lợi nhuận khoảng 1.000.000 đồng/con.

Mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo

         - Mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, gà đạt tỷ lệ sống khoảng 90%, trọng lượng trung bình 1,7 - 2 kg/con sau 04 tháng nuôi, đệm lót sinh học hoạt động tốt giúp hạn chế được sự phát triển của vi sinh vật có hại đặc biệt là bệnh cầu trùng nên gà không mắc bệnh, tăng trọng nhanh. Ngoài ra, khi sử dụng đệm lót không có mùi hôi, đỡ công dọn chuồng, không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nuôi nên có thể nuôi gà với số lượng lớn.

         - Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi bò. Chương trình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp GTNT để nâng cao tầm vóc đàn bò của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cao và tăng thêm thu nhập cho nông dân, giúp đàm bê sinh ra có trọng lượng lớn và tỉ lệ thịt xẻ tăng cao so với các giống bò ta như: Trọng lượng bê sơ sinh đạt 23 – 25 kg/con cao hơn bê nuôi tại địa phương 5 – 7 kg/con, tỷ lệ bê nuôi sống đến 6 tháng tuổi đạt 98%, bò 1 năm tuổi có trọng lượng từ 160 – 180 kg/con giá bán 14 – 15 triệu đồng/con, cao hơn bò địa phương 70 - 80 kg/con.

         - Mô hình xây dựng hầm biogas: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 8.000 công trình hầm ủ biogas, chiếm khoảng 20% tổng số hộ chăn nuôi heo. Chương trình đã góp phần làm hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp cho người dân sử dụng khí đốt để đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện, làm phân bón cho cây trồng, thức ăn thủy sản… làm giảm gánh nặng nội trợ cho phụ nữ, trẻ em và đem lại lợi nhuận cho hộ sử dụng từ 200.000 – 300.000 đồng/tháng. Người chăn nuôi ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng các công trình khí sinh học để giảm bớt ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, bảo vệ sức khỏe của gia đình và mọi người xung quanh.

         - Ứng dụng vaccine trong phòng, trị bệnh trên gia súc, gia cầm: Việc nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phòng, trị: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, Newcastle… là thành tựu rất lớn của công nghệ sinh học trong việc quản lý các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Hàng năm, Ngành Nông nghiệp đã ứng dụng rất tốt công tác tiêm phòng để quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khoảng 5 triệu liều.  

         * Trên lĩnh vực thủy sản

         - Mô hình ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm nước lợ

         + Trên tôm sú: Thực hiện các mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi tôm sú theo hướng VietGAP... Các mô hình triển khai thực hiện đều sử dụng men vi sinh để xử lý ao, cải tạo môi trường, hỗ trợ tiêu hóa và sức kháng bệnh cho tôm. Hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 70% so với nuôi đại trà, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

         + Trên tôm thẻ chân trắng: Thực hiện các mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh, thâm canh mật độ cao, sử dụng công nghệ 4.0, nuôi tôm thẻ 02 giai đoạn, nuôi tôm thẻ luân canh với lúa... sử dụng men vi sinh, các chế phẩm sinh học nên ít gây tổn hại đến môi trường. Hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, tăng năng suất và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích nuôi,  dễ quản lý, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.

Mô hình nuôi tôm thẻ 02 giai đoạn

         + Trên tôm càng xanh toàn đực: Tăng trọng lượng tôm bình quân 45gr/con, tỉ lệ sống 55%, sản lượng thu hoạch 2,4 tấn, lợi nhuận cao hơn nuôi tôm càng xanh bình thường khoảng 50 - 80 triệu đồng/ha. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao do hạn chế sự thành thục sinh dc ở tôm, cỡ tôm đồng đều, tôm tăng trưởng nhanh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, thích nghi với sự biến đổi khí hậu và có khả năng nhân rộng.

         - Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Giúp tôm đạt tỉ lệ sống đạt 60%, trọng lượng bình quân 25g/con, năng suất 2,5 tấn/ha, lợi nhuận 240 triệu đồng/ha. Hộ tham gia ghi chép nhật ký đầy đủ làm cơ sở để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

         - Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong nuôi cá các loại

         + Mô hình nuôi cá vược (cá chẽm) trong ao: Cá đạt trọng lượng trung bình 800 gr/con, tỷ lệ sống đạt 70%, hệ số chuyển hóa thức ăn là 1,2. Năng suất khoảng 7 - 9 tấn/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình mở ra hướng mới về đa dạng hóa đối tượng nuôi thâm canh thủy sản, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh tôm hiện nay thì cá chẽm là trong những đối tượng dễ nuôi, có thể thả nuôi trong ao tôm công nghiệp đã nhiễm bệnh hoặc ao bỏ trống. Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng nổi và các chế phẩm sinh học nên tiết kiệm được công lao động và có thể quản lý tốt thức ăn, giảm được ô nhiễm môi trường so với cho ăn bằng cá tạp.

         + Mô hình nuôi cá tra thâm canh bậc 1 thịt trắng: Mô hình giảm được thức ăn, không sử dụng các chất kháng sinh cấm, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nên môi trường nuôi luôn ổn định, cá tăng trọng nhanh. Trọng lượng bình quân đạt 1 kg/con, tỉ lệ sống 88%, năng suất đạt 88 tấn/ha. Lợi nhuận khoảng 150.000.000 đồng/ha. Mô hình được người dân đánh giá cao và cần được nhân rộng vì ngoài lợi ích kinh tế nó còn hạn chế việc ô nhiễm môi trường.

         - Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống: Hàng năm, cơ sở sản xuất giống chính quy của tỉnh (Trung tâm giống) sản xuất khoảng 25,9 triệu con giống thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh toàn đực, cua biển, cá tra. Quy trình sản xuất giống áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và các chế phẩm sinh học (men vi sinh, tảo…) đã góp phần làm tăng tỷ lệ sống trên tôm, tăng tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở trên cá, giúp con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng đúng quy định, hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

           Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế:

         - Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn thiếu và chậm được bổ sung; những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ và hiệu quả.

         - Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như việc bố trí kinh phí nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn hạn chế.

         - Một số hộ nông dân còn e dè chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học. Ngoài ra, việc sản xuất còn nhỏ, lẻ nên đầu tư áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án ngân sách nhà nước.

         - Chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trên lĩnh vực nông nghiệp.

         Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giúp duy trì và lưu trữ các nguồn gen quí hiếm; tạo ra các loại thức ăn giàu dinh dưỡng; quy trình kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho nông hộ, đa dạng hóa hình thức sản xuất, hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Ngọc Hà

 

1 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới