Biện pháp quản lý bọ vòi voi hại dừa

Tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng dừa trên 21000 ha, trong những năm gần đây đã xuất hiện 1 loài côn trùng mới là bọ vòi voi gây hại và tấn công trên những diện tích trồng dừa làm giảm năng suất và sản lượng dừa. Do vậy cần tăng cường điều tra, phát hiện sớm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế khả năng phát tán bọ vòi voi gây hại dừa trên diện rộng.
         1. Đặc điểm hình thái:
         Bọ vòi voi có tên khoa học là Diocalandra frumenti  là côn trùng biến đổi hoàn toàn với 4 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành.
        Trứng bọ vòi voi hại dừa có hình ô van, màu trắng kích thước trung bình khoảng 1mm. Ấu trùng mới nở có màu trắng đục sau chuyển thành màu vàng nhạt, không có chân, chiều dài từ 6-8mm. Nhộng dạng nhộng trần, màu trắng hơi vàng, vị trí hóa nhộng thường nằm ngay trong lỗ đục trên cây và quả dừa. Trưởng thành bọ vòi voi hại dừa có màu nâu đen, phần đầu có 1 vòi dài. Trên cánh có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh. Là loài động vật sợ ánh sáng nên thường hoạt động mạnh lúc chiều tối.

 

 Bọ vòi voi lúc trưởng thành

 

            2. Đặc điểm gây hại:
            Trứng bọ voi voi thường đẻ xung quanh cuống trái, ấu trùng nở ra đục lỗ chui vào phần võ trái  để gây hại ngay từ khi trái còn non. Nếu gây hại trái dừa non sẽ làm trái rụng sớm. Nếu gây hại khi dừa đã lớn sẽ làm cho trái méo mó, kích thước nhỏ, mất giá trị thương phẩm.
            Mỗi trái dừa bị hại thường có 3-5 con bọ vòi voi trưởng thành. Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục quanh cuống trái tại nơi vết chảy ra thường thấy chất thải của bọ vòi voi.
            Đa số các cây dừa bị hại nặng đều có cùng điểm chung là các cây thấp, cây mới trồng mới cho trái.

 

Bọ vòi voi gây hại trên trái non và trái già

 

           3. Phương thức phát tán:
          Trưởng thành bọ vòi voi có cánh nên chúng có thể chủ động phát tán. Ngoài trưởng thành, ấu trùng, nhộng cũng có thể phát tán theo các con đường vận chuyển dừa giống.
           4. Biện pháp quản lý:
           - Thường xuyên điều tra vườn dừa để phát hiện sớm và ngăn chặn sự lây lan của bọ vòi voi.
           - Vệ sinh vườn dừa, thu gom các trái bị nhiễm đem tiêu hủy.
           - Không gây các vết thương trên cây nhằm hạn chế sự thu hút của trưởng thành bọ vòi voi.
           -  Bón phân tưới nước hợp lý để dừa đậu nhiều trái có khả năng bù lại năng suất bị mất do bọ vòi voi gây hại.
           - Đối với các vườn dừa bị bọ vòi voi gây hại nặng có thể sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để phun. Phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

 

Nguyễn Thành Đông

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tin khác
1 2 3 
Tin mới