Chủ động phòng trừ sâu năn (muỗi hành) gây hại các vụ lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Sâu năn (muỗi hành) Orseolia oryzae bắt đầu gây hại lúa ở ĐBSCL từ vụ Đông Xuân 2016-2017 và Đông Xuân 2017-2018, tập trung các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang...

         Tại tỉnh Trà Vinh, sâu năn cũng có xuất hiện trong các vụ lúa nhưng với mật số thấp, rãi rác chưa gây thiệt hại năng xuất. Tuy nhiên, vào vụ Đông Xuân 2020-2021 trên địa bàn huyện Cầu Kè (tại xã Phong Phú, Ninh Thới)  xuất hiện sâu năn có mật số và diện tích tăng hơn so với các vụ trước. Diện tích nhiễm sâu năn là 34 ha, trong đó có 32 ha  tỷ lệ bị hại 5-10%; 2 ha có tỷ lệ bị hại 20-30%. Do đó đã gây hoang mang lo lắng cho bà con nông dân.

         Cây lúa bị sâu năn gây hại ở giai đọan tăng trưởng có biểu hiện mất đọt non và đẻ nhánh nhiều bất thường. Các dảnh lúa bị hại biến dạng thành ống hành sẽ không trổ bông đựơc nhưng bụi lúa có thể mọc thêm nhiều chồi mới để bù lại. Vì vậy, nếu lúa bị sâu năn gây hại sớm, cần phòng trị kịp thời để cây lúa có khả năng đền bù lại năng suất.

 
Triệu chứng lúa Đông Xuân 2020-2021 bị sâu năn gây hại 
  tại ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè

 

         Để chủ động trong việc quản lý sâu năn (muỗi hành) hại lúa vụ Hè thu 2021 và các vụ kế tiếp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về Quy trình kỹ thuật quản lý sâu năn (Orseolia oryzae) hại lúa (Công văn số 242/BVTV-TV ngày 22/02/2017) và Quy trình quản lý tổng hợp sâu năn (muỗi hành) Orseolia oryzae (Mood -Mason) hại lúa đồng bằng sông Cửu Long được công nhận là tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lĩnh vực bảo vệ thực vật (Quyết định số 481/QĐ-BVTV-KH ngày 18/3/2021), đề nghị nông dân thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

         Biện pháp giống

         Chọn giống lúa có khả năng chống chịu với sâu năn và thích hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Một số giống lúa có khả năng chống chịu nên sử dụng nhằm làm giảm áp lực gây hại của sâu năn bao gồm OM9582, OM 3673, OM 11735 và OM 10424.

          Xử lý hạt giống không có hiệu quả trong phòng trừ sâu năn hại lúa.

          Biện pháp vệ sinh đồng ruộng

         Vệ sinh đồng ruộng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu năn, làm sạch cỏ trên bờ và trong ruộng, vì hầu hết các lọai cỏ thuộc nhóm hòa bản (Poaceae) đều là ký chủ của sâu năn, đặc biệt là lúa cỏ (O.sativa), lúa hoang (O. Rufipogon), cỏ lồng vực (E.crus-galli) và cỏ san nước (Paspalum distichum), lúa rày, lúa chét,...

         Biện pháp canh tác

         - Theo dõi bẫy đèn, bẫy màu xanh để xác định thời điểm xuất hiện thành trùng sâu năn để phòng trị kịp thời.

         - Gieo sạ đúng lịch thời vụ, đồng lọat theo từng tiểu vùng, tuân thủ khuyến cáo của từng địa phương. Đặc biệt trong vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân không xuống giống muộn hơn so với khuyến cáo của địa phương

         - Làm đất kỹ, san ruộng bằng phẳng trước khi gieo sạ, nên cày đất, phơi ải trong thời gian 2-4 tuần, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển khỏe.

         - Gieo sạ với mật độ sạ hợp lý tùy vào tình trạng đất đai 80-100 kg/ha tùy theo mùa vụ và điều kiện đất đai.

         - Quản lý nứơc: ở giai đọan 1-2 tuần sau sạ nếu có sâu năn xuất hiện nên cho nuớc ngập cao để hạn chế sự phát triển của quần thể sâu năn; ở giai đọan đẻ nhánh nên để ruộng khô để kích thích lúa đẻ chồi.

         - Bón phân cho lúa theo nhu cầu dinh dưỡng, không bón thừa phân đạm và tăng cường bón lân, kali; bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magiê, silic để tăng sức đề kháng cho cây lúa, giúp bảo vệ năng suất lúa.

         Biện pháp sinh học

         Biện pháp bảo vệ thiên địch tự nhiên của sâu năn: ứng dụng công nghệ sinh thái thông qua việc trồng các loài hoa, cây màu phổ biến ở địa phương  như hoa soi nhái, đậu xanh, ... trên bờ ruộng trứơc khi xuống giống 2-4 tuần nhằm gia tăng sự đa dạng hệ thiên địch của sâu năn trong tự nhiên gồm ong ký sinh nhộng (Neanastatus sp.), ong Platygaster oryzae Camerun ký sinh trứng và ấu trùng, các nhóm thiên địch ăn mồi như bọ rùa (Micrapis sp.), kiến ba khoang (Ophionea sp.), nhện lưới (Areneus inustus), nhện sói (Padosa sp.), bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis) và nhện chân dài (Tetragnatha sp.).

         Biện pháp xử lý chế phẩm sinh học: sử dụng chế phẩm sinh học 3M chứa nấm ký sinh côn trùng  (Metarhizium flavoviride, M. anisopliae và M.minus), phun định kỳ 2-3 lần/vụ, phun sớm ở giai đọan đẻ nhánh (20-25 ngày sau sạ) khi có thành trùng sâu năn xuất hiện khoảng 5-10 con/m2 trên ruộng, phun lặp lại ở 30-35 ngày sau sạ tùy theo điều kiện cụ thể.

         Biện pháp hóa học

         Chỉ nên sử dụng trong các trường hợp trồng giống nhiễm nặng khi có điều kiện thời tiết thích hợp cho sâu năn phát triển gây hại và không đựơc phát hiện kịp thời. Nên sử dụng thuốc hóa học có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép, một số hoạt chất có thể sử dụng như Chlorantraniliprole, Lufenuron, Abamectin. Khi sử dụng thuốc hóa học phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và lưu ý thời gian ly theo khuyến cáo của sản phẩm.

Tài liệu tham khảo: Quyết định số 481/QĐ-BVTV-KH ngày 18 tháng 3 năm 2021của Cục Bảo vệ thực vật.

Sơn Huyền Linh

                                                                              Phòng Bảo vệ thực vật

                                                                                  Chi Cục Trồng trọt và BVTV

 

Tin khác
1 2 3 
Tin mới