Kết quả thực hiện Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2020 – 2022

         Thực hiện Quyết định số 1913/QĐ-UBND, ngày 23/9/2019 của UBND tỉnh Trà Vinh về phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 – 2022. Trung tâm khuyến nông đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, kế hoạch hỗ trợ cho công tác khuyến nông có những bước phát triển trong chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt đã đưa các giống cây con mới vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Một số thành tựu đạt được đáng kể, như sau:

         1. Hoạt động tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục của khuyến nông nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho người sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến cáo người dân ứng dụng tưới nước tiết kiệm cho cây trồng cạn để giảm tác động của hạn, mặn nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và hạn chế tối đa rủi ro để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

         Trong giai đoạn 2020-2022, đã tổ chức tập huấn 1.314 lớp/41.859 lượt người tham dự về các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện 66 cuộc tổng kết, hội thảo các mô hình hiệu quả cho 2.963 lượt người tham dự, chia sẻ kinh nghiệm các tiến bộ kỹ thuật; từ đó, tuyên truyền, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình theo quy hoạch một cách phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tư vấn trực tiếp kỹ thuật thuật đơn vị cũng đặc biệt quan tâm đã thực hiện được 35.287 lượt hộ dân sản xuất trên địa bàn tỉnh; đào tạo 3 lớp TOT cho 90 lượt cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông tham gia về kỹ năng khuyến nông, ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm Biogas xử lý môi trường, thông qua phương pháp lý thuyết kết hợp với thực hành, tham quan thực tế, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn trong sản xuất.

Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình

         2. Hoạt động thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng luôn bám sát vào chủ trương của bộ, ngành, tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn qua, đã tổ chức 73 cuộc tọa đàm, chuyên mục, phóng sự (công tác khuyến nông, những mô hình sản xuất tiên tiến, điển hình); In ấn và cấp phát 109.226 tài liệu bướm (canh tác lúa, cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn; sách về nông nghiệp, tờ tin khuyến nông) giúp người dân áp dụng đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

         3. Kết quả các mô hình, dự án khuyến nông: Việc xây dựng các mô hình sản xuất trình diễn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong giai đoạn 2020 – 2022 từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương và địa phương, đã xây dựng 33 mô hình trình diễn, 13 dự án khuyến nông cho 444 hộ nông dân tham gia (18 mô hình trồng trọt và 01 dự án; 05 mô hình chăn nuôi và 02 dự án; 10 mô hình thủy sản và10 dự án).

         Các mô hình trình diễn đều bám sát định hướng phát triển của ngành, chuyển giao khoa học và công nghệ được người dân ứng dụng vào sản xuất; khuyến khích người dân sử dụng giống sạch bệnh. hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng đồng bộ công nghệ vào sản xuất nhằm giảm công lao động và giảm chi phí nâng cao hiệu quả kinh tế; thay đổi dần thói quen, tập quán canh tác cũ sản xuất theo hướng tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số mô hình có hiệu quả điển hình như:

         Trồng đậu phộng sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm năng suất mô hình đạt 7,5 tấn/ha (đậu tươi), lợi nhuận mô hình đạt 53 triệu đồng/ha, giảm chi phí bón phân đạm cho vụ sau, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm công lao động, tiết kiệm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp;

         Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa năng suất mô hình lúa sạ máy đạt 6,0 tấn/ha, lợi nhuận của mô hình đạt 19.890.000 đồng/ha, lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; cải tạo độ màu mỡ của đất; giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng;

         Thực nghiệm trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt năng suất đạt: 2,3 tấn/0,2ha, lợi nhuận mô hình đạt 59,53 triệu đồng/0,2ha, giảm ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo cho phát triển sản xuất bền vững thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu;  

Chăn nuôi gà thịt thả vườn kết hợp sử dụng đệm lót sinh học lợi nhuận trên 05 triệu đồng với quy mô 500 con, các giống gà có năng suất cao, thích nghi với điều kiện khí hậu, sức đề kháng bệnh, phù hợp với điều kiện kinh tế và tập quán chăn nuôi của nông hộ.

         Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường giảm sử dụng thuốc, hóa chất, ương tôm kết hợp bẻ càng chủ động xác định tỷ lệ sống, giúp tôm nuôi phát triển đồng đều, cỡ tôm lớn góp phần nâng cao hiệu quả, lợi nhuận của mô hình đạt 191.5 triệu đồng/ha, nuôi tôm - lúa xen canh lợi nhuận tăng 4 - 5 lần so với độc canh cây lúa trên cùng đơn vị diện tích canh tác, đây là một hướng sản xuất mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn về hình thức nuôi thân thiện với môi trường, mang lại thu nhập ổn định trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt

         Qua các hoạt động khuyến nông giai đoạn 2020 – 2022 trên đã giúp giải quyết việc làm lao động tại nông thôn và từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nông dân nông thôn làm chủ quy trình khoa học công nghệ, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất làm gia tăng năng suất hiệu quả trên cùng một diện tích, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

         Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được công tác khuyến nông giai đoạn 2020 – 2022 cũng còn một số hạn chế: diện tích đất sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân không đồng đều đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hoạt động khuyến nông chủ yếu xây dựng mô hình trình diễn, chưa liên kết được thị trường tiêu thụ; sphối kết hợp giữa các tác nhân tham gia công tác khuyến nông có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; công tác tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả do nông dân tự thực hiện chưa được quan tâm và nhân rộng, chưa phối hợp tốt với một số địa phương để triển khai lồng ghép một số chính sách về phát triển nông nghiệp; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông hàng năm còn thấp, điều kiện và trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng dụng và chuyển giao còn rất hạn chế; nhiều chủ trương chính sách ban hành nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm; nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông còn hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động nghiệp vụ khuyến nông còn thiếu,...

Lâm Tấn Tài

Tin mới