Hiệu quả mô hình tôm – lúa gắn với liên kết tiêu thụ

         Ngày 08/12/2023, tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh phối hợp với UBND xã tổ chức cuộc hội thảo Tổng kết “mô hình nuôi tôm sú-lúa gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm(01 vụ tôm và 01 vụ lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ). Được triển khai thực hiện trong năm 2023 trên địa bàn các ấp Rạch Sâu, Rạch Gốc, Xẻo Ranh, Cồn Phụng xã Long Hòa; với quy mô 25 ha/ 24 hộ; sử dụng giống lúa ST 24 và giống tôm sú, từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương năm 2023.

  Đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: HK)           Tham quan thực tế (Ảnh: HK)

         Tham dự buổi hội thảo gồm có: Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, đại diện UBND xã, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, các hộ tham gia mô hình và nông dân trong xã. Mô hình luân canh 01 vụ tôm và 01 vụ lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ (mật độ gieo sạ 80 kg/ha, giống lúa ST 24 (cấp xác nhận), sử dụng phân bón gốc (700 kg/1 ha - phân hữu cơ vi sinh), không sử dụng thuốc hóa học, áp dụng biện pháp canh tác và sử dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu, bệnh hại; tôm sú nuôi theo hình thức quảng canh mật độ 07 con/m2, áp dụng kỹ thuật ương dưỡng 25-30 ngày trước khi đưa ra ruộng nuôi, kích cỡ giống thả P15 đảm bảo theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8398-2012, tôm được thuần hóa độ mặn.

         Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống lúa, tôm giống, 30% vật tư phân bón, thức ăn và các chế phẩm sinh học theo định mức qui định, phần còn lại các hộ dân đối ứng. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ngay từ đầu vụ và theo dõi hướng dẫn kỹ thuật đến cuối vụ.

         Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy mô hình phù hợp với địa phương, dịch hại không phát sinh đáng kể, năng suất khá cao, ước từ 5,3 - 5,5 tấn/ha. Lúa được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường 1,7 lần. Tổng chi phí cho 01ha lúa là 20,548 triệu đồng, ước giá bán 8.800 đ/kg x 1,7 = 14.960 đ/kg. Tổng thu 79,288 triệu đồng, lợi nhuận cho 01 vụ lúa là 58,74 triệu đồng/ha.

         - Hiệu quả kinh tế: Sản xuất lúa của mô hình lợi nhuận cao hơn khoảng 1,8 lần so với sản xuất truyền thống tại vùng Long Hòa. Do giá bán lúa theo phương pháp hữu cơ cao hơn lúa theo phương pháp truyền thống 1,7 lần.

         + Hiệu quả xã hội: Giúp cho nông dân vùng dự án và vùng lân cận tiếp cận khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thay đổi tập quán canh tác; áp dụng sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ làm gia tăng độ màu mở cho đất, tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu; giảm sâu bệnh hại; giảm công lao động cho nhà nông.

         + Hiệu quả môi trường: Giảm ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sinh thái ổn định, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

         * Khả năng nhân rộng: Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ năng suất tương đương theo sản xuất truyền thống, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn, từ việc bảo vệ môi trường đến bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác sau vụ lúa, môi trường đồng ruộng cũng được cải thiện từ đó vụ nuôi tôm hạn chế được dịch bệnh, góp phần thắng lợi cho vụ nuôi tôm sú tiếp theo. Từ kết quả trên mô hình sẽ được nân rộng trong thời gian tới./.                                                                                

   KS. Mai Hoàng Khanh

                                                                                Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

Tin mới