Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 23/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh

         Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2232/UBND-NN ngày 31/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, có khoảng 100 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện cho các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan; đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Phòng Tài Nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo một số phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Chủ trì Hội nghị do đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Văn Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Quang cảnh toàn Hội nghị

         Về kết quả đạt được: Là sau 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh có tổng số 5.566,75 ha đất trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản, vượt 2.639,15 ha so với kế hoạch, trong đó: Chuyển sang trồng cây hàng năm khác là 2.276,54 ha (vượt 745,54 ha kế hoạch), chuyển sang trồng cây lâu năm (cây dừa và cây ăn trái) 3.021,76 ha (vượt 1.970,16 ha kế hoạch), chuyển sang chuyên và kết hợp nuôi trồng thủy sản 268,45 ha (đạt 77,81% kế hoạch). Đã góp phần trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

         Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số hạn chế nhất định, cụ thể: (1) Công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt và giáo dục còn nhiều hạn chế nhất định dẫn đến việc chuyển đổi manh mún, nhỏ lẽ không theo quy hoạch và kế hoạch diễn ra còn khá phổ biến, người dân chuyển đổi chạy theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu, lợi nhuận mang lại rất thấp, thậm chí còn bị thua lỗ, nhất là một số mặt hàng nông sản như xoài, cam sành, dừa,... hiện giá bán rất thấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; (2) Công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn quá lỏng lẻo, nhất là cấp xã là đơn vị hành chính có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi” nhưng quản lý chưa tốt, để người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa không đúng theo quy hoạch và kế hoạch đã ban hành làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp chung của tỉnh, nhất là chỉ tiêu về phát triển diện tích gieo trồng lúa; (3) Việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý đất trồng lúa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và một số chính sách khác có liên quan còn ít, hiệu quả mang lại chưa cao; (4) Công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại của các ngành, các cấp nhằm giúp cho người dân tiêu thụ nông sản chưa triển khai thực hiện đồng bộ, chưa quyết liệt và còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

         Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị về một số công việc mà các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và UBND cấp huyện và cấp xã cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau:

         1. Sở Nông nghiệp và PTNT: (i) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhanh chóng phối hợp với các sở ngành có liên quan và các địa phương rà soát để điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh đảm bảo sát với nhu cầu chuyển đổi có người dân; (ii) Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng (kém hiệu quả) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng các quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, tuần hoàn, kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu... Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (iii) Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và các đề án đầu tư có liên quan đến việc bảo vệ đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa như: (1) Chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; (2) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; (3) Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; (4) Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; (5) Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đã đăng ký năm 2024 tham gia 25.000 ha (tương đương 50.000 ha diện tích gieo trồng) năm 2025 đăng ký 30.000 ha (tương đương 60.000 ha diện tích gieo trồng) và năm 2030 đăng ký 45.000 ha (tương đương 90.000 ha diện tích gieo trồng); (iv) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng chống sâu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất.

         2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. 

         3. Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 31/12/2021, ưu tiên đầu tư phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho quá trình triển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

         4. Sở Công thương: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm để tiêu thụ và xuất khẩu; giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ   

         5. Liên Minh HTX tỉnh: Tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh.

         6. Hội Nông dân tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên của Hội nông dân các cấp thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh. Khuyến cáo nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có hiệu quả và áp dụng các các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, Global GAP, hữu cơ,... để sản xuất có hiệu quả kinh tế cao hơn.

         7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: (i) Chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình biết để thực hiện đúng theo quy định; (ii) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất trồng lúa, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất trồng lúa không đúng theo quy định, không đúng theo kế hoạch, phải tiến hành lập biên bản, xử phạt và yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng đất trồng lúa nhằm hạn chế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tràn lan như hiện nay; (iii) Tập trung đầu tư thủy lợi, giao thông nội đồng từ nguồn vốn quản lý, sử dụng đất trồng lúa phân bổ hàng năm để phục vụ cho phát triển cây lúa, cũng như các loại cây trồng chuyển đổi từ đất trồng lúa; (iv) Đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường; (v) Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và đề án, cụ thể: (1) Chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; (2) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; (3) Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; (4) Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; (5) Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; (vi) Phối hợp chặt chẽ với 03 Sở: Công thương, Khoa học và Công nghệ và Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt công tác thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực để người dân an tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

8. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa: (i) Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ; lập sổ tay theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (ii) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển đổi mà không thực hiện các thủ tục theo quy định và chuyển đổi không đúng theo kế hoạch. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi.

                                                                                     Đoàn Văn Minh

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới