Lấy mẫu giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại các nhà yến, cơ sở sơ chế

         Dẫn dụ nuôi chim yến trong nhà không còn là điều mới mẻ, do mang lại lợi nhuận cao, không tốn thức ăn. Hiện tại giá tổ yến thô khoảng 18-22 triệu đồng/kg, tổ yến qua sơ chế khoảng 30-34 triệu đồng/kg. Vì vậy, những năm gần đây, phong trào xây dựng nhà yến trên địa bàn thị xã Duyên Hải ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2018 thị xã chỉ có 28 nhà yến, thì đến đầu năm 2023 đã tăng gần gấp đôi, lên 54 nhà yến. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại phường 1 (24 nhà yến) và xã Trường Long Hòa (11 nhà yến). Riêng, Công ty TNHH Khang Long Việt đã có 09 nhà yến. Việc dẫn dụ nuôi chim yến trong nhà đã và đang tạo ra ngành nghề mới cho người dân trên địa bàn thị xã Duyên Hải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số các hộ nuôi chim yến là tự phát không đăng ký, chưa liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị.

Một nhà dẫn dụ nuôi chim yến tại phường 1, thị xã Duyên Hải

         Thực hiện Công văn số 84/TY-DT ngày 17/01/2023 của Cục Thú y về việc hướng dẫn giám sát dịch bệnh trên chim yến để xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, Chi cục Thú y Vùng VII phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chính quyền địa phương và Công ty TNHH Khang Long Việt, lấy mẫu giám sát tại nhà yến, cơ sở sơ chế tổ yến thuộc Công ty (đợt I/2023) nhằm phát hiện, chứng minh có hay không vi rút Cúm gia cầm, vi rút Niu-cát-xơn lưu hành tại các cơ sở nuôi chim yến, cơ sở sản xuất tổ yến để có giải pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả; đồng thời để cung cấp bằng chứng cho các đối tác nhập khẩu tổ yến. Doanh nghiệp lựa chọn ngẫu nhiên số lượng nhà yến có sản phẩm tổ yến xuất khẩu dựa trên danh sách của doanh nghiệp với tỷ lệ lưu hành ước đoán là 10%, xác suất để phát hiện được bệnh là 95%. Tần suất lấy mẫu giám sát: 06 tháng/đợt lấy mẫu. Sau 02 đợt lấy mẫu liên tục, doanh nghiệp rà soát danh sách nhà yến và lựa chọn ngẫu nhiên các nhà yến (theo phương pháp nêu trên) cho những đợt lấy mẫu giám sát tiếp theo. Tại mỗi nhà yến, lấy mẫu phân mới của chim yến tại 15 vị trí khác nhau bằng tăm bông. Gộp 05 mẫu phân thành 01 mẫu xét nghiệm (tổng số là 03 mẫu gộp/01 nhà yến).

Lấy mẫu phân chim yến ở khu vực bên trong nhà yến

         Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5, A/H7 hoặc vi rút Niu-cát-xơn, Chi cục Thú y vùng thực hiện: (1) Báo cáo bằng văn bản cho Cục Thú y để kịp thời chỉ đạo các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh. (2) Thông báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y bằng điện thoại và văn bản về kết quả xét nghiệm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 03 ngày tại nơi có mẫu dương tính; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như đối với các ổ dịch Cúm gia cầm hoặc Niu-cát-xơn; đồng thời báo cho cơ quan y tế nơi có gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5 hoặc A/H7. (3) Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc địa bàn quản lý và doanh nghiệp tổ chức điều tra, lấy mẫu giám sát khu vực xung quanh khu vực nhà yến. (4) Triển khai các biện pháp phòng, chống theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

         Liên quan đến xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, Cục Thú y đã có hướng dẫn quy trình doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc (Công văn số 2163/TY-HTQT ngày 26/12/2022). Quy trình gồm 7 bước. Trong đó, bước 3 của quy trình: “Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thú y có công văn hướng dẫn giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu; chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện giám sát và thông báo cho doanh nghiệp để phối hợp thực hiện và doanh nghiệp chi trả chi phí giám sát.”. Việc lấy mẫu giám sát được thực hiện định kỳ 2 đợt/năm.

         Hướng dẫn giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc tại các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến và mẫu tổ yến (Công văn số 114/TY-TYCĐ ngày 31/01/2023). Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến: giám sát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của cơ sở; năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả đối với tổ yến; việc thực hiện quy trình vận hành để kiểm soát vệ sinh đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển. Đối với mẫu tổ yến: lấy mẫu tổ yến, phân tích các chỉ tiêu theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Yêu cầu về các chỉ tiêu cần kiểm tra; mức giới hạn đối với mẫu tổ yến. Mức yêu cầu đối với tổ yến thành phẩm của cơ sở sơ chế, chế biến khi phân tích, đó là: Không có chất tẩy trắng; Không phát hiện Salmonella trong 25g tổ yến; Nitrite ≤ 30 mg/kg; Chì (Pb) <2 mg/kg; Thạch tín (As) <1 mg/kg; Thủy ngân (Hg) <0,05 mg/kg; Cadmium (Cd) <1 mg/kg; Antimony (Sb) <1 mg/kg; Hydrogen peroxide <1 mg/kg.

Bên trong một nhà dẫn dụ nuôi chim yến

         Kết quả giám sát sẽ được gửi đến doanh nghiệp và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Trường hợp mẫu không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành yêu cầu doanh nghiệp có cơ sở sơ chế, chế biến thực hiện truy xuất nguồn gốc đến nhà yến có mẫu tổ yến không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu giám sát. Xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp; đề nghị các cơ sở thực hiện khắc phục. Giám sát quá trình khắc phục tại các cơ sở này và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Thú y.

         Như vậy, có thể thấy rằng, việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại các nhà yến, cơ sở sơ chế, không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần giám sát dịch bệnh, giám sát chất lượng sản phẩm tổ yến, từ thúc đẩy nghề nuôi chim yến trong thời gian tới phát triển một cách có hiệu quả, bền vũng và góp phần phát triển kinh tế của địa phương,

 

 Công Khanh

 (Trạm CN&TY TX Duyên Hải)

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới