Ngày càng giảm vịt chạy đồng trên đồng ruộng Trà Vinh

 Nuôi vịt chạy đồng/vịt thời vụ là nghề truyền thống của người dân Trà Vinh. Theo số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh (thời điểm 01/10/2017), tổng đàn vịt của tỉnh có 923.780 con, bằng 22,51% tổng đàn gia cầm, chủ yếu là vịt chạy đồng. Các địa phương có tổng đàn vịt trên 100.000 con gồm: Huyện Càng Long: 362.440 con, huyện Cầu Kè: 130.380 con, huyện Cầu Ngang: 115.780 con, huyện Trà Cú: 105.010 con và huyện Châu Thành: 100.280 con.

 

Vịt nuôi chạy đồng tại Trà Vinh

 

            Ưu thế của vịt chạy đồng là tận dụng thức ăn (lúa) rơi vãi, cua, cá, tép có sẵn trên đồng ruộng, từ đó giảm chi phí giá thành. Người nuôi sẽ “canh” đồng (thời điểm thu hoạch/cắt lúa) để bắt vịt về nuôi, khi chạy/chăn thả hết đồng này thì chuyển sang đồng khác. Việc chạy đồng không chỉ ở các huyện trong tỉnh mà còn chạy sang tỉnh khác trong khu vực. Có thể nói, người nuôi vịt chạy đồng nắm rất rõ mùa vụ lúa của các tỉnh.
           Tuy nhiên, thời gian qua tổng đàn vịt của tỉnh ngày càng giảm, nếu thời điểm 01/10/2010 đàn vịt của tỉnh là 2.606.000 con (bằng 48,32% tổng đàn gia cầm) thì đến 01/10/2017 chỉ còn 923.780 con (bằng 22,51% tổng đàn gia cầm), giảm 1.682.200 con (64,55%). Tính 5 năm gần đây (2013-2017) đàn vịt của tỉnh giảm đến 1.401.220 con (60,27%). Cụ thể đàn vịt giảm qua từng năm như sau: Năm 2014/2013: - 548.900 con (23,61%), năm 2015/2014: -185.300 con (10,43%), năm 2016/2015: -100.900 con (6,34%), năm 2017/2016: -566.120 con (38,00%).
           Vì sao đàn vịt của tỉnh giảm mạnh qua các năm? Theo lý giải của Cục Thống kê Trà Vinh thì: “Đàn vịt giảm chủ yếu là số lượng vịt thời vụ do trong những năm gần đây người dân sản xuất lúa ba vụ nhiều, làm cho môi trường chăn thả thu hẹp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm cho lượng cua, ốc, cá trong nội đồng ngày càng ít đi nên người nuôi phải mua thêm thức ăn tổng hợp, làm cho giá thành chăn nuôi tăng cao, người nuôi không có lãi từ đó đã không mạnh dạn tái đàn”.

Vắng bóng vịt chạy đồng (vụ lúa Đông - Xuân 2017-2018)

           Tuy nhiên, ngoài những lý do trên, hộ nuôi vịt chạy đồng còn tốn chi phí cho việc “mua đồng” (10.000-15.000 đồng/công - NV), thuê mướn phương tiện vận chuyển, bơm tát nước lên ruộng… trong khi giá bán sản phẩm thì “hên-xui”. Một lý do khác là thời gian thu hoạch lúa nhanh và thời gian từ cắt lúa đến gieo sạ vụ kế tiếp ngắn, các địa phương thường thu hoạch và gieo sạ đồng loại nên không đủ thời gian để hộ nuôi di chuyển đàn vịt. Chưa kể, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác (cam, thanh long…) ngày càng gia tăng khiến cho diện tích đất canh tác lúa ngày càng thu hẹp[1].

         Đứng trước sự lựa chọn giữa việc “buông” hay tiếp tục theo nghề, nhiều hộ tâm sự họ chưa biết làm gì khác và cũng không có vốn, một số hộ thì sẽ vẫn tiếp tục vì đã nhiều đời gắn bó với nghề. Đây quả là sự lựa chọn khó khăn của người nuôi vịt chạy đồng.
         Để tiếp tục duy trì và phát triển đàn vịt (khi giảm nuôi chạy đồng), cần có định hướng, quy hoạch lại nghề nuôi vịt theo hướng tập trung, có sự quản lý an toàn về dịch bệnh, quản lý về chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nhất là có sự liên kết đầu ra của sản phẩm.


Văn Đoái


[1] Theo số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh, năm 2016 toàn tỉnh có 91.275 hecta đất canh tác lúa, giảm 6.051 hecta (6,22%) so với năm 2013. Riêng năm 2018, Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giảm khoảng 3.500 hecta diện tích gieo trồng lúa chuyển sang nuôi, trồng cây con khác.

Tin mới