Kết quả triển khai công tác kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm 2023

         Thực hiện Công văn[i] của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh về việc triển khai kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 398/QĐ-SNN ngày 13/9/2023 để kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Cầu Kè. Thời gian thực hiện từ ngày 18/9/2023 đến ngày 29/9/2023. Thông qua đợt thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm

         Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm. Các nội dung được kiểm tra sẽ tập trung vào các quy định về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, con người, …; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; việc thực hiện các quy định về công bố sản phẩm và các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công bố chất lượng sản phẩm; thực hiện ghi nhãn cũng như thực hiện theo quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

         Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó: 08 cơ sở sản xuất (01 cơ sở bánh mì, 01 cơ sở sản xuất lạp xưởng, 01 cơ sở sản xuất đậu hủ, 05 cơ sở sản xuất bánh pía, bánh trung thu, bánh kẹo các loại…); 13 cơ sở kinh doanh (01 Bách hóa xanh, 11 cơ sở kinh doanh tạp hóa, 01 dịch vụ ăn uống). Qua thực tế kiểm tra, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tuân thủ tốt các quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã có sự quan tâm đầu tư, nâng cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dụng cụ theo tiêu chuẩn và duy trì tốt điều kiện vệ sinh tại cơ sở,… đáp ứng quy định về điều kiện ATTP. Đối với các cơ sở kinh doanh, các sản phẩm được bảo quản, bày bán theo nhóm sản phẩm thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm đúng quy định.  Tuy nhiên, có 10 cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP như không có giấy khám sức khỏe định kỳ, bản cam kết bảo đảm ATTP, không thường xuyên cập nhật hồ sơ tự công bố sản phẩm, trang bị không đầy đủ bảo hộ lao động (găng tay, trùm tóc, khẩu trang, ủng, tạp dề…), điều kiện cơ sở, điều kiện bảo quản nguyên liệu chưa đúng quy định, một số cơ sở chưa làm hợp đồng mua nguyên liệu; một số thực phẩm không có ghi nhãn hoặc nhãn nhưng không đúng quy định (không có nhãn phụ đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu),…. Do một số cơ sở mới hoạt động và trong quá trình sửa chữa, Đoàn kiểm tra đã đề nghị cơ sở khắc phục trong thời gian 10 ngày kể từ ngày kiểm tra và giao Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP huyện giám sát việc khắc phục của cơ sở. Đến nay, các cơ sở đã khắc phục theo đề nghị của Đoàn kiểm tra. 

Kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu  

         Nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới:

         - Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Cần thường xuyên vệ sinh cơ sở, trang bị đầy đủ các bảo hộ lao động, kiểm tra, cập nhật các hồ sơ về ATTP như hồ sơ công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ, bản cam kết bảo đảm ATTP theo quy định. Riêng các cơ sở mới hoạt động phải liên hệ cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn về điều kiện cơ sở, hồ sơ đúng theo quy định sẽ giúp cơ sở tiết kiệm được thời gian và chi phí xây dựng cơ sở.

         - Đối với các cơ quan chuyên môn cấp huyện: Cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (tạp hoá), dịch vụ ăn uống được phân công, phân cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân công, phân cấp quản lý, đặc biệt đối với tạp hóa; tăng cường hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chọn lựa nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

         - Đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: Cần tăng cường tập huấn, thanh tra, kiểm tra, rà soát thống kê các sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phân công, phân cấp quản lý; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực phẩm mới hoạt động thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP như lưu giữ các hồ sơ về ATTP, hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm,....; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, giám sát việc thực hiện công tác quản lý ATTP đối với tuyến huyện, xã, thị trấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.

 
Trần Thị Phương Hồng Huế

[i] Công văn số 19/BCĐ ngày 24/8/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới