Sản xuất phân hữu cơ từ lá Bần chua góp phần cải thiện sinh kế người dân

         Tỉnh Trà Vinh với hơn 2.000 ha Bần chua trải dài dọc theo 65 km bờ biển. Hàng năm, một lượng lớn lá Bần chua sau khi rụng xuống bị sóng biển đẩy vào bờ tuy nhiên chưa được tận dụng để cải thiện thu nhập thông qua việc ủ lá Bần chua thành phân hữu cơ để sử dụng trong nông nghiệp.

         Bần chua với đặc tính là loài cây mọc nhanh, dễ dàng thích nghi với bãi bồi ven sông, ven biển, được xác định là cây tiên phong lấn biển mà ngành lâm nghiệp tỉnh Trà Vinh đã lựa chọn. Tuy nhiên, giá trị về kinh tế của loài Bần chua không cao, chỉ đề cập đến chức năng phòng hộ, cố định bãi bồi.

         Trong những năm gần đây, cô tư Cúc (ấp Long Trị, xã Long Đức) đã sử dụng trái Bần chua để chế tạo các sản phẩm như mứt Bần, bột Bần để góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, lá Bần chua vẫn chưa được người dân tận dụng để ủ thành phân hữu cơ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người sống gần rừng, cải thiện môi trường biển.

Người dân thu gom lá Bần chua tại ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam

         Lá Bần chua sau khi rụng bị sóng biển đẩy vào bờ sẽ được thu gom thành đóng. Sử dụng nước ngọt để rửa mặn liên tục từ 15 – 20 ngày. Sau đó, lá Bần chua sẽ được chuyển đến nơi ủ, chất thành lớp dày từ 20cm - 30cm, rồi tưới nước pha men vi sinh Trichoderma để thúc đẩy quá trình phân hủy của lá, tiếp tục chất thêm 1 lớp khác, lặp lại cho đến khi hết nguyên liệu, 1 tấn lá Bần chua cần sử dụng từ 3 – 4 kg men vi sinh Trichoderma. Sau đó dùng tấm bạt nhựa đậy kín. Sau 7 – 10 ngày, tiến hành đảo trộn phần lá cho đều và tưới thêm nước để giữ ẩm. Sau 25 – 30 ngày lá đã được phân hủy hoai mục thành phân hữu cơ có độ mềm, ẩm và tơi xốp thì mang ra bón cho cây trồng hoặc đem bán cho người sản xuất nông nghiệp hoặc sử dụng trong trồng cây cảnh.

         Đối với những khu vực hạn chế nước ngọt, lá Bần chua sau khi được thu gom cũng thực hiện các bước tương tự như quá trình ủ phân ở trên, tuy nhiên thời gian ủ thường kéo dài khoảng 4 tháng. Sau quá trình ủ hoai mục, dùng sàng để loại bỏ những thành phần chưa phân hủy và tiếp tục sử dụng cho đợt ủ tiếp theo.

         Phân hữu cơ sau khi được ủ xong thì có thể bón trực tiếp cho cây trồng hoặc sử dụng trong công tác gieo ươm. Với giá bán phân hữu cơ sau khi ủ dao động từ 1,5 triệu đến 1,7 triệu/tấn, góp phần tăng thu nhập của người dân nhận khoán bảo vệ rừng, từ đó thúc đẩy người dân sẽ có ý thức trách nhiệm hơn, chung sức với các ngành chức năng tham gia tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phân hữu cơ được ủ theo phương thức truyền thống, chưa được kiểm định nên trong quá trình sử dụng cần lưu ý với tần suất vừa phải, tránh lạm dụng ảnh hưởng đến cây trồng.

         Trong quá trình thu gom lá Bần chua, người dân như một mắc xích trong mạng lưới bảo vệ rừng, góp phần quản lý tốt diện tích rừng trên địa bàn. Thu gom lá Bần chua ủ thành phân hữu cơ ngoài việc cải thiện thu nhập từ rừng còn giúp làm sạch bờ biển, cải thiện môi trường nước, góp phần cải thiện hiệu ứng nhà kính. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trần Minh Trung

Ban Quản lý rừng phòng hộ

 

Tin mới