Hợp tác xã dựa vào nội lực để tồn tại và phát triển

         Điều này được thể hiện rõ hơn qua chuyến học tập kinh nghiệm hợp tác xã (HTX) tại hai tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình do Dự án SME Trà Vinh tổ chức (tháng 7/2023). Tham gia chuyến đi là cán bộ sở, ngành tỉnh, doanh nghiệp/HTX (nữ làm chủ) trên địa bàn tỉnh. Mục đích, học tập kinh nghiệm thực tiễn về nâng cao vai trò giới trong phát triển kinh tế; xây dựng được một hệ sinh thái và mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm bền vững; tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp nữ làm chủ tại Trà Vinh được xúc tiến trực tiếp sản phẩm của mình tại một tỉnh khác.

         Điểm đến là HTX Nông sản bản địa Nọong Piêu, HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 và HTX Nông trại hữu cơ MEHA, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình đồi núi đá vôi, khí hậu khắc nghiệt. Đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, diện tích đất ít, sản xuất theo tập quán truyền thống. Để vận động người dân tham gia HTX không phải chuyện dễ dàng.

Học tập kinh nghiệm tại HTX Nông sản bản địa Nọong Piêu

 (Nguồn: Dự án SME Trà Vinh)

         Điểm chung của các HTX là dựa vào điều kiện địa phương để thành lập và hoạt động. Cụ thể, chọn những người trồng loại cây đặc trưng của địa phương để vận động vào HTX, vừa giúp người dân có thể sản xuất thuận tự nhiên, dễ thực hiện vừa hỗ trợ phát triển đặc sản đặc trưng của vùng. Đối với HTX Nông sản bản địa Nọong Piêu mận Ruby là sản phẩm chủ lực, HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 là mận hậu và HTX Nông trại hữu cơ MEHA là cam Vinh, tất cả đều sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ hoặc VietGAP. Thành viên tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện. Người đứng đầu HTX phải có năng lực, có thể xây dựng kế hoạch để phát triển HTX. Định hướng sản xuất của HTX là lấy ngắn nuôi dài, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

         Để thay đổi tập quán sản xuất và làm cho người dân tin, từ đó người dân làm theo thì HTX phải “cầm tay chỉ việc”, có “vườn mẫu” đối chứng giữa sản xuất theo tập quán và sản xuất theo HTX sẽ mang lại hiệu quả hơn. Đôi khi, người đứng đầu HTX phải “làm dùm”, miễn phí công lao động, phân bón,…

         Phương châm của HTX là “Làm phải làm thật và làm đúng”. Đảm bảo sản phẩm của thành viên được bao tiêu hết, có lời, ngay cả trường hợp thị trường biến động, nguyên tắc “Nông dân có lợi trước - HTX có lợi sau”. HTX không hoạt động bó hẹp ở một lĩnh vực mà rất đa dạng ngành, nghề. Ngoài sản phẩm chủ lực, HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 cung cấp cây giống, sản xuất hoa quả sấy, tư vấn nông nghiệp, du lịch có thu phí (thăm vườn cây, mua trái cây tại vườn, dùng thử sản phẩm, homestay,…); HTX Nông sản bản địa Nọong Piêu kinh doanh các dòng sản phẩm chế biến đặc trưng của dân tộc Thái (miến dong, gia vị tẩm ướp,…); HTX Nông trại hữu cơ MEHA kinh doanh cây đặc trưng của vùng (mận, mơ,…).  

Sản phẩm mận Ruby của HTX Nông sản bản địa Nọong Piêu
 tại https://www.foodbevg.com/VN/ (truy cập ngày 08/8/2023)

         Một trong những điều kiện trở thành thành viên và HTX thành viên là phải góp vốn theo quy định pháp luật và điều lệ HTX. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng đối với người dân, HTX đã “linh động” hình thức góp vốn bằng đất đai, bằng trang thiết bị, lao động,… Thành viên được chia sẻ lợi nhuận qua HTX “trả” trực tiếp vào giá thu mua sản phẩm (mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm), hỗ trợ thành viên khi sản xuất gặp khăn do thiên tai, dịch bệnh,...

         HTX luôn chủ động tìm và mở rộng đầu ra cho sản phẩm, không phụ thuộc vào thương lái. Như, đẩy mạnh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, Zalo, Facebook, TikTok, qua các đại lý, siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX, qua những người có uy tín tại địa phương, nhưng không bỏ qua kênh truyền thống để vừa giữ chân vừa đa dạng nguồn khách hàng. HTX không tập trung vào xuất khẩu mà bỏ qua thị trường trong nước đầy tiềm năng, có tính ổn định. Dù bán sản phẩm qua “kênh” nào thì các HTX luôn lấy “chữ tín” làm đầu. Với quan niệm sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ được đón nhận, vì vậy, HTX không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định giá; chuẩn hóa bao bì, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để quản lý tốt đến từng sản phẩm. HTX luôn tìm phương thức vận chuyển sản phẩm giao cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, đảm bảo sản phẩm tươi, ngon, chất lượng nhất. Nói cách khác, HTX không chỉ bảo vệ quyền lợi của thành viên HTX, mà còn quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.  

Sản phẩm của HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 giới thiệu tại

 https://dacsanmocchau.vn/ (ngày truy cập 08/8/2023)

         Do nguyên nhân khách quan và chủ quan, các HTX ít tiếp cận được chính sách hỗ trợ kinh phí. Chủ yếu nhận được các hỗ trợ về tập huấn sản xuất an toàn, xây dựng quản lý nhãn hiệu, thương hiệu, hồ sơ bán hàng thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm, quản lý HTX, hỗ trợ đầu ra sản phẩm,… HTX, cho rằng kinh phí hỗ trợ chỉ là thêm cơ hội, thêm điều kiện thuận lợi hơn để phát triển, do vậy, HTX không quá trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, phát triển lâu dài cần phải xác định dựa vào nội lực là chính.

Qua chuyến học tập kinh nghiệm, theo cán bộ sở, ngành tỉnh, từ thực tiễn hoạt động của các HTX của hai tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình sẽ giúp ích rất trong việc quản lý, xây dựng chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ, phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Về phía, doanh nghiệp/HTX, bước đầu cũng đã có những kết nối sản phẩm, đây chính là cơ sở để quảng bá, mở rộng địa bàn tiêu thụ trong thời gian tới. 

 

Văn Đoái

Tin mới