Hội thảo phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản

         Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định xã hội. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.

         Tuy vậy, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá thấp. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thương hiệu SOKFARM của Trà Vinh với nhiều sản phẩm nổi tiếng từ Mật hoa dừa

 

         Việc chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu gây khó cho xuất khẩu nông sản, không tạo ra được sự cạnh tranh và phát huy tiềm năng sản phẩm nông nghiệp. Một số nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận thì gắn với các đoàn thể hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, dẫn đến việc kiểm tra, giám sát sử dụng nhãn hiệu bị hạn chế, không quản lý được giá bán sản phẩm, không quản lý được quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản, thiếu/không có kinh phí đầu tư phát triển nông sản, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu,…

         Theo các diễn giả tại “Hội thảo về hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản” do Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổ chức ngày 04/12/2023, thì việc sản phẩm nông sản chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu là vấn đề không mới. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng trên, đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu chế biến sâu; chất lượng, số lượng và thời gian cung cấp sản phẩm không ổn định; các chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhiều nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào; phân cấp quản lý chồng chéo bất cập giữa các ngành, địa phương, giữa các cấp gây vướng trong công tác quản lý, gây khó cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách; chưa có hướng dẫn cho nông sản có nhãn hiệu thì cần làm gì để nâng lên thành thương hiệu.

Sự khác nhau giữa nhãn hiệu và thương hiệu

 

Nội dung

Nhãn hiệu

Thương hiệu

Khái niệm

Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau

Là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức

Về pháp lý

Là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Không là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Về nhận diện

Nhận diện qua hình ảnh, từ ngữ, biểu tượng,…

Tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng

Về thời gian

Có thời hạn

Lâu dài

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2023)

Cũng tại tại Hội thảo, nhiều vấn đề được trao đổi, thảo luận, như: Sản xuất nhỏ thì có xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu? Câu trả lời là được, nếu như các cơ sở sản xuất nhỏ biết liên kết lại, sản xuất theo một tiêu chuẩn chung và tạo ra sản phẩm có chất lượng, số lượng ổn định. Hoặc, nông sản xuất khẩu tươi dễ mau hỏng có phải là điều bất lợi? Câu trả lời là không, vì nhu cầu của người tiêu dùng luôn muốn được sử dụng hàng tươi, sống; vấn đề của nhà sản xuất phải lựa chọn, áp dụng công nghệ bảo quản, vận chuyển như thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng tươi, sống và giá cả hợp lý. Hoặc, có nên phát triển thương hiệu nông sản chung cho cả nước? Điều này khó khả thi, vì không phải sản phẩm nông sản nào cũng có tiềm năng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và quan trọng hơn nữa là nguồn kinh phí thực hiện để có thể phát triển thương hiệu nông sản chung cho cả nước. 

Nhãn hiệu chứng nhận “Dừa Sáp Cầu Kè Trà Vinh - Việt Nam” (năm 2019).

 (Nguồn: https://interbra.vn/info/searchid?id=556138-, truy cập ngày 11/9/2023)

         Cùng với đó là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam tự cạnh tranh lẫn nhau bằng cách bán hạ giá. Để giá thành rẻ thì doanh nghiệp tìm cách giảm chất lượng, sản xuất không theo tiêu chuẩn, làm cho thương hiêu nông sản Việt Nam bị giảm uy tín, giá bán giảm. Lấy thí dụ, bưởi da xanh xuất qua Mỹ, những lô hàng đầu tiên có giá bán lên đến trên 60 đô la/trái, nhưng hiện nay đã bị giảm giá phân nửa, nguyên nhân do doanh nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau. Hay, vấn đề xây dựng thương hiêu cần phải có giá trị và thật giá trị, tức là cần có cơ chế quản lý, chuẩn hóa hàng hóa, chuẩn hóa quy trình sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc,…

         Các chiến lược, chương trình cho phát triển thương hiệu nông sản, đó là: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược phát triển thủy sản Viêt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

 

 

 Văn Đoái

Tin mới