Định hướng phát triển ngành chăn nuôi dê gắn với xây dựng chuỗi giá trị

         Trà Vinh có tổng đàn dê khoảng 22.000 con, đứng thứ 3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dê được nuôi nhiều nhất tại vùng Duyên Hải chiếm 73,81% tổng đàn dê của tỉnh (huyện Duyên Hải 11.740 con, chiếm 53,36%; thị xã Duyên Hải 4.500 con, chiếm 20,45 %) do nơi đây có tập quán chăn nuôi dê từ lâu, là nơi tập trung diện tích rừng và khu vực nuôi tôm, rất thuận lợi cho việc chăn thả do nguồn thức ăn đa số là tự nhiên, giúp giảm giá thành tăng cạnh tranh về giá và chất lượng thịt so với các khu vực còn lại.

          Tuy có những điểm mạnh như đã nêu và chăn nuôi dê thời gian qua ít gặp rủi ro về dịch bệnh, nhưng chăn nuôi dê vẫn còn một số bất cập như: Chăn nuôi thả lang có lợi thế giảm chi phí về giá thành, hiệu quả kinh tế cao, nhưng diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, làm hạn chế về gia tăng đàn, khó khăn trong quản lý; sản xuất an toàn chưa được người dân quan tâm, không có sản phẩm OCOP; chưa hình thành hợp tác xã, chưa có sản phẩm thương hiệu, nhãn hiệu; chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.

Trại chăn nuôi dê tại phường 1, thị xã Duyên Hải

 

           Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi dê gắn với xây dựng chuỗi giá trị, cần để ra một số nội dung, giải pháp cụ thể như sau:

          Một là: Định hướng cho phát triển chăn nuôi dê, về sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm và thành lập hợp tác xã. Phát triển loại hình nuôi nhốt chuồng thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý.

          Hai là: Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Kèm theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh); Chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi.

          Ba là: Định hướng xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi dê thịt, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ thức ăn chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh; nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê; phát triển con giống cho năng suất và chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt dê.

          Bốn là: Nghiên cứu quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dê lai trong điều kiện nuôi nhốt, quy trình cho ăn nhằm nâng cao và tạo sự khác biệt về chất lượng thịt; thử nghiệm và bổ sung một số loại cây cỏ và phụ phẩm tại địa phương để đánh giá khả năng phát triển và chất lượng thịt dê; ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn giống dê, thức ăn và chế biên thức ăn; phòng, trị bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển mô hình chăn nuôi dê tuần hoàn, kết hợp với áp dụng công nghệ trong chăn nuôi dê tạo nên sản phẩm thịt dê đặc trưng.

          Xác định rõ quan điểm nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, giải quyết đồng bộ các khó khăn, vướng mắc, phát huy hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp từ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại đến từng hộ chăn nuôi; tạo điều kiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ giữa người nuôi với người nuôi và đặc biệt liên kết giữa người nuôi với người mua, là “chìa khóa” thúc đẩy ngành chăn nuôi dê của tỉnh phát triển bền vững.

 

Chí Quang

(NVTY xã Trường Long Hòa)

Tin mới