Bảo vệ, tránh nguồn nước bị ô nhiễm do chất thải từ con người và hoạt động chăn nuôi

         Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có một tiêu chí rất quan trọng đó là tiêu chí về môi trường. Đối với huyện nông thôn mới nâng cao là tiêu chí số 17 (từ 17.1 đến 17.12). Tiêu chí số 17 quy định chi tiết về tỷ lệ chất thải hộ gia đình; chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thu gom, xử lý; diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn,... Tuy vậy, dù chưa có số liệu khảo sát cụ thể, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh, ở một số nơi hoạt động chăn nuôi vẫn có hiện tượng xả thải trực tiếp ra kênh, mương, ao, hồ mà chưa qua bất cứ hình thức xử lý nào; cùng với đó là tình trạng người dân vẫn còn sử dụng cầu cá. Điều này vừa gây phản cảm về mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường và cũng là nguồn làm tăng nguy phát sinh lây lan dịch bệnh, thể hiện sự thiếu quan tâm, sâu sát của địa phương.  

Cầu cá và chuồng nuôi heo xả thải trực tiếp xuống mương (Ảnh minh họa)

         Để bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị nêu rõ: “Cần quán triệt sâu sắc rằng nước sinh hoạt bị ô nhiễm là một nguồn gốc chủ yếu gây ra các bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe và lao động của người dân, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ mai sau. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm của mình, đề ra chương trình và các biện pháp thiết thực, chỉ đạo cụ rất thể, cập nhật để bảo đảm nước sạch cho dân nông thôn”.

Chỉ thị chỉ đạo hai vấn đề “xác định rõ nhiệm vụ nước sạch cho nông thôn”, đó là vấn đề bảo vệ nước sạch và vấn đề bảo đảm vệ sinh rau quả tươi. Nội dung cụ thể: Xoá bỏ tập tục phóng uế bừa bãi hoặc vứt súc vật chết xuống sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ làm ô nhiễm nguồn nước. Ngăn cấm việc dùng phân tươi bón cây hoặc nuôi cá trên sông, rạch, và các ao, hồ công cộng. Tổ chức chỉ đạo phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, văn minh nông thôn, nhanh chóng thanh toán nạn phóng uế xuống kênh, rạch, ao, hồ, và đồng ruộng,...

         Có nhiều giải pháp xử lý chất thải do người và hoạt động chăn nuôi thải ra đã và đang được áp dụng từ nhiều năm qua. Chất thải do người thì xử lý bằng cách sử dụng nhà vệ sinh tự hoại, ủ phân hữu cơ; chất thải chăn nuôi thì ủ compost hoặc ủ nấm Trichoderma, biogas, nuôi trùn quế, nuôi ruồi lính đen, làm đệm lót,… vừa không gây lãng phí nguồn tài nguyên (rác thải, chất thải được xem như là một nguồn tài nguyên nếu được tận dụng tốt), vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tạo thêm thu nhập cho người chăn nuôi.

         Hành vi gây ô nhiễm môi trường nước có thể bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây ô nhiễm nguồn nước” nếu như trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong chăn nuôi, nếu chăn nuôi trang trại vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi có thể bị xử phạt lên đến 10.000.000 đồng tùy theo quy mô trang trại và kèm theo là khắc phục hậu quả; tương tự, chăn nuôi nông hộ có thể bị xử phạt lên đến 1.000.000 đồng và kèm theo là khắc phục hậu quả (Điều 30 và Điều 31 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi).

Hầm Biogas xử lý phân, nước thải chăn nuôi

 

         Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề bảo đảm nước sạch, bảo vệ môi trường ở nông thôn là trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp chính quyền, mọi tổ chức và mọi công dân. Một số chính sách hỗ trợ xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi, nuôi thủy sản của tỉnh, trong đó có hỗ trợ nhà vệ sinh tự hoại sử dụng cho người đối với cơ sở nuôi thủy sản, quy định tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV hỗ trợ xây dựng/lắp đặt hoàn thành công trình khí sinh học (biogas) kiểu KT1, KT2 hoặc công trình composite được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức hỗ trợ tương đương 500.000 đồng/cơ sở; thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến giữa năm 2026.

Văn Đoái

 

Tin mới