Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024

         Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 14/UBND-NN ngày 02/01/2024, ngày 05/01/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 có 65 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện cho các Sở, ban ngành tỉnh, đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thị xã, thành phố và Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Chủ trì Hội nghị do đồng chí Trần Trường Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

anh tin bai
Quang cảnh toàn Hội nghị

         Năm 2023, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Nguồn nước ngọt đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh, thời tiết tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh trên thủy sản và một số bệnh trong chăn nuôi như Cúm gia cầm, LMLM gia súc, Viêm da nổi cục trên trâu bò được kiểm soát tốt, bệnh Dịch tả heo Châu phi có xuất hiện nhưng nhanh chóng khống chế và kiểm soát tốt; giá lúa, cua biển, dừa khô ở mức khá cao; các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (thức ăn, thuốc thú y, phân bón, thuốc BVTV…) vẫn còn cao làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi giá bán một số nông sản chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, heo, bò, xoài, cam sành,… không ổn định và ở mức thấp người dân sản xuất có lợi nhuận không nhiều, thậm chí bị thua lỗ; ngư trường ngày càng giảm dẫn đến sản lượng khai thác thủy sản giảm. Nhưng được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của nông dân nên sản xuất nông nghiệp duy trì được mức độ tăng trưởng. Nhờ đó, mà hầu hết các chỉ tiêu của ngành triển khai thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: (1) Giá trị sản xuất toàn ngành 31.188 tỷ đồng, vượt 3,44% kế hoạch, tăng 3,15% so với cùng kỳ, trong đó: Nông nghiệp vượt 5,07% KH, tăng 2,22%; Thủy sản vượt 1,07% kế hoạch, tăng 4,78%; Lâm nghiệp đạt 97,2% KH, giảm 1,18%, chiếm 28,64% GRDP toàn tỉnh; (2) Tỷ lệ che phủ rừng 4,1% (đạt 100% kế hoạch); (3) Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8% (trong đó nước sạch đạt 80,2%, vượt 1,26% KH); (4) Có thêm 08 xã đạt NTM kiểu mẫu, 10 xã NTM nâng cao, huyện Trà Cú đạt huyện NTN, huyện Cầu Kè, Tiểu Cần đạt huyện NTM nâng cao. Tính chung, toàn tỉnh duy trì 85/85 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:

         Một là, Kinh tế nông nghiệp tiếp tục duy trì cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 61,17%, lâm nghiệp đạt khoảng 0,84%, thủy sản đạt khoảng 37,99% từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; chuyển mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, trong năm đã chuyển đổi gần 2.300 ha đất trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản; tiếp tục duy trì diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao đến cuối năm 2023 có 1.074 ha lượt diện tích thả nuôi. Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng hiện có khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp tạo sự đột phá để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

         - Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm trên 256 ngàn ha, vượt 0,82% kế hoạch (tăng 5.504 ha so cùng kỳ), sản lượng đạt 2,69 triệu tấn (tăng 149,37 ngàn tấn), gồm: Cây lúa 203,36 ngàn ha vượt 0,96% kế hoạch (tăng 4.319 ha so cùng kỳ), sản lượng 1,11 triệu tấn vượt 1,43% kế hoạch (tăng 51,96 ngàn tấn so cùng kỳ); cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 52,73 ngàn ha, vượt 0,27% kế hoạch (tăng 1.185 ha so cùng kỳ), sản lượng 1,58 triệu tấn (tăng 97,41 ngàn tấn). Diện tích cây lâu năm 45,83 ngàn ha, vượt 3,68% kế hoạch (tăng 1.877 ha so cùng kỳ), sản lượng 804,15 ngàn tấn, vượt 12,82% kế hoạch (tăng 95,8 ngàn tấn so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt ước đến cuối năm 2023 đạt khoảng 155 triệu đồng/năm, tăng 2,31 triệu đồng/ha so với năm 2022.

         - Chăn nuôi: Có sự chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, chất lượng con giống được cải thiện, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đáp ứng cho nhu cầu thị trường; công tác phòng, chống, dịch bệnh được chủ động hơn, chăn nuôi an toàn sinh học phát triển. Ước đàn vật nuôi cuối năm như sau: Đàn heo 310.726 con (vượt 10,97% KH) tăng 23.757 con so với năm 2022, đàn bò 265.940 con (vượt 8,55% KH) tăng 10.969 con so cùng kỳ, đàn dê 22.637 con (vượt 2,9% KH), tăng 272 con; đàn gia cầm 6,7 triệu con (đạt 85,91% KH), tổng sản lượng thịt ước đạt 85 ngàn tấn, sản lượng trứng khoảng 150 triệu quả.

         - Lâm nghiệp: Trồng mới 50 ha rừng tập trung, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 9.620 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,1%, đạt 100% kế hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm đúng quy định.

         - Thủy sản: Điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản và xử lý mầm bệnh không để lây lan ra diện rộng; diện tích nuôi thâm canh mật độ cao tiếp tục được duy trì đến nay toàn tỉnh có 1.074 ha nuôi theo hình thức này; lĩnh vực khai thác giảm. Tổng sản lượng 230 ngàn tấn (96,68 ngàn tấn tôm), tăng 3,84% so với cùng kỳ (tương đương tăng 8.516 tấn), trong đó: Sản lượng nuôi 178,75 ngàn tấn (92,15 ngàn tấn tôm), sản lượng khai thác 51,3 ngàn tấn (4,54 ngàn tấn tôm), giá trị sản xuất/ha đất nuôi thủy sản đạt khoảng 410 triệu đồng/năm (tăng hơn 7 triệu đồng so với năm 2022).

         Hai là, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả số lượng và chất lượng cơ bản đạt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của người dân ngày càng tăng, nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh duy trì 85/85 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Trà Cú đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM, huyện Cầu Kè, Tiểu Cần đang hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM nâng cao). Triển khai hiệu quả Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025 (đến nay đã hoàn thành 05/08 tiêu chí tỉnh NTM); Chương trình OCOP công nhận và tái công nhận 68 sản phẩm đủ tiêu chuẩn công nhận, nâng tổng số có 252 sản phẩm đạt OCOP.

         Ba là, Công tác ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật được xác định là khâu then chốt trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong năm ngành xây dựng 11 loại mô hình kết hợp với đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho gần 4.300 lượt người, cấp phát 5.016 tờ tài liệu bướm tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật các loại, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh, địa phương thực hiện 02 phóng sự, 27 cuộc toạ đàm, 12 cuộc hội thảo, tổng kết mô hình. Nhờ đó, giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác, nâng cao khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; xây dựng và duy trì được khoảng 60 nhãn hiệu nông sản, 24 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 55 mã số vùng trồng nội địa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bán các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Bốn là, Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, ngành đã phối kết hợp cùng với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn và triển khai thực hiện nhiều biện pháp khác góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và tài sản của người dân.

         Năm là, Ngành cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp; thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm an toàn thực phẩm; Kịp thời cụ thể hóa, xây dựng và triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả đáng kể; từng bước củng cố và phát triển được các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt HTX NN (Trong năm, thành lập mới được 06 HTX, nâng tổng số có 145 HTX và liên hiệp HTX NN đang hoạt động) nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Đầu tư công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành nông nghiệp thực hiện có sự chuyển biến tích cực.

         Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: (1) Còn xảy ra tình trạng sản xuất không theo lịch thời vụ gây khó khăn cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất và phòng, chống sâu bệnh; (2) Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa có sự đột phá toàn diện; (3) Sản lượng thuỷ sản nuôi và thuỷ sản khai thác không đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Bệnh dịch tả heo Châu Phi còn xuất hiện rãi rác ở một số địa bàn mặc dù có tập trung quyết liệt phòng, chống nhưng chưa khống chế được triệt để; (4) Tình hình sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tự phát, nhỏ lẻ đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa cao. Việc áp dụng giống mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp; nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi không nhiều; (5) Công tác xúc tiến đầu tư và thương mại vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản; (6) Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và thích ứng biến đổi khí hậu; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh; (7) Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng cùng với cả nước nhưng vẫn chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC.

anh tin bai
Đồng chí Trần Trường Giang – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị

 

Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Trường Giang – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2024, cụ thể như sau:

         Theo dự báo của ngành cho thấy năm 2024 sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như: Biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan hơn, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và dân sinh; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh....Trước những khó khăn, thách thức trên, đòi hỏi toàn ngành vừa có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại, cần phải có sự nỗ lực to lớn của toàn ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương.

         Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021- 2025), kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đẩy mạnh chuyển tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế của từng địa phương góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra mà ngành đã xác định, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt với các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã được đề ra trong các Kế hoạch, Chương trình, đề án chuyên đề đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành, đặc biệt là Quyết định số 1889/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Đồng thời, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch chuyên ngành theo các lĩnh vực để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn năm 2024 theo từng cấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm các công tác:

         Một là, Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Hạn chế sản xuất tự phát không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, giá bán thấp ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

         Hai là, Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ứng dụng cây, con giống mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. 

         Ba là, Thực hiện tốt các Kế hoạch về phòng chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phải khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi.

         Bốn là, Đổi mới, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả, hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

         Năm là, Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

         Sáu là, Đẩy mạnh công các xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực.

         Bảy là, Tăng cường quản lý giám sát tàu cá khai thác hải sản trên biển, đảm bảo mục tiêu ngư dân bám biển và tuân thủ quy định của Quốc tế, không vi phạm quy định về chống đánh bắt hải sản IUU.

         Tám là, Tập trung phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

         Chín là, Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng ngày từ đầu năm, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

          Mười là, Tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đã được UBND tỉnh phân giao tại Quyết định số 1889/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 và Quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 27/12/2023.

                                                                            Đoàn Văn Minh

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới