Tiếp tục tăng cường, chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng đầu năm 2024

         Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 01/2024, trên thế giới xảy ra 8.850 ổ dịch Cúm gia cầm và có 6 người nhiễm vi rút Cúm gia cầm A/H5N1 (chết 4 người). Trong nước, 20 ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra ở 11 tỉnh. Về các loại dịch bệnh khác (xem Bảng 1), đáng chú ý là 235 ổ dịch Dại động vật tại 31 tỉnh, bệnh Dại cũng đã gây chết 82 người, tăng 12 người so với năm 2022.

Bảng 1. Dịch bệnh động vật và bệnh Dại ở người, năm 2023 (đến tháng 11)

Tên dịch bệnh

Số

ổ dịch

Số tỉnh, thành phố có dịch

Ghi chú

Cúm gia cầm

20

11

 

Dịch tả heo Châu Phi

542

44

 

Lở mồm long móng

25

15

 

Viêm da nổi cục

106

15

 

Dại động vật

235

31

82 người chết, tăng 12 người so với năm 2022

Dại (ở người)

 

30

(Nguồn: Tổng hợp)

Năm 2024, trên địa bàn cả nước, bệnh Cúm gia cầm vẫn tiếp tục phát sinh tại 4 tỉnh; bệnh Dịch tả heo Châu Phi 18 tỉnh; bệnh Viêm da nổi cục 2 tỉnh; bệnh Lở mồm long móng 2 tỉnh; bệnh Dại động vật 17 ổ dịch tại 12 tỉnh, thành phố, đã có 18 người chết tại 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 người so cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so cùng kỳ).

anh tin bai
Gà nuôi tập trung tại huyện Cầu Ngang. Những năm qua, chăn nuôi của tỉnh
 ngày càng theo hướng tập trung, nếu dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn

         Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giám sát cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm. Đây là một trong những nguy cơ làm tái phát dịch.

         Trước tình hình trên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản các gửi địa phương tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I/2024; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật(*). Về “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I năm 2024”, tiến hành đồng loạt từ ngày 01-31/3/2024.

         Tại tỉnh Trà Vinh, năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều loại dịch bệnh động vật nguy hiểm được kiểm soát, nhưng bệnh Dịch tả heo Châu Phi và bệnh Dại vẫn xảy ra. Cụ thể, năm 2023, bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở 9 xã của 5 huyện, thị xã và 1 trường hợp vận chuyển heo nhập tỉnh trái phép, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính; bệnh Dại xảy ra tại 3 huyện, thành phố, có 4 con chó mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 22 con. Năm 2024, tiếp tục phát hiện 1 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi và 1 trường hợp chó mắc bệnh Dại.

anh tin bai

Bò là vật nuôi chủ lực của tỉnh Trà Vinh.

Tổng đàn bò của tỉnh đứng đầu Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

         Mặc dù trên địa bàn tỉnh nhiều loại dịch bệnh động vật nguy hiểm được kiểm soát, nhưng theo cơ quan chuyên môn, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn tiềm ẩn. Do, dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Trong tỉnh, một số dịch bệnh vẫn xảy ra; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin chưa đạt theo yêu cầu (xem Bảng 2). Bên cạnh đó, theo Cục Thống kê Trà Vinh, đầu năm 2024, tổng đàn vật nuôi của tỉnh giảm Nguyên nhân, chi phí đầu vào tăng, giá thu mua sản phẩm giảm, người chăn nuôi bị thua lỗ, vì vậy người chăn nuôi sẽ ít quan tâm hơn đến công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, đàn bò giảm 12,78% so cùng kỳ, còn 222.390 con; đàn heo giảm 7,07%, còn 265.840 con; đàn gia cầm giảm 24,42% còn 5.335,16 ngàn con.

         Để chủ động phòng, chống dịch động vật và thực hiện tốt các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp tập trung giải pháp chủ động, quyết liệt quả phòng, chống dịch theo quy định.

Bảng 2. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cả năm 2023 trên địa bàn tỉnh

Loại vắc xin

Tỷ lệ tiêm so với tổng đàn

Tỷ lệ tiêm cần đạt

Cúm gia cầm

~50%

≥80% tổng đàn thuộc diện tiêm

Dịch tả heo Châu Phi

~0,5%

≥80% tổng đàn tại thời điểm tiêm

Lở mồm long móng

~40%

≥80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm

Viêm da nổi cục

~46%

>80% tổng đàn tại thời điểm tiêm

Dại chó, mèo

~27%

>70% đàn chó, mèo

(Nguồn: Tổng hợp)

         Đối với người chăn nuôi, để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ tài sản của chính mình, ngoài việc tuân thủ, hợp tác tốt theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y và chính quyền địa phương thì cần áp dụng, thực hiện triệt để chăn nuôi an toàn; chủ động tiêm phòng vắc xin các loại bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi. Thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh. Phối hợp tốt với quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương phòng, chống và xử lý ổ dịch tùy theo từng loại dịch bệnh (trong trường hợp xảy ra dịch). Áp dụng “5 không” trong phòng, chống dịch, gồm: “Không giấu dịch. Không mua động vật mắc bệnh. Không bán chạy động vật bệnh. Không vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi vùng dịch. Không vứt xác động vật bệnh, nghi bệnh bừa bãi ra môi trường.”.

         (*) Công văn số 1140/BNN-TY ngày 20/02/2024, tăng cường phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; Công văn số 1141/BNN-TY ngày 20/02/2024, triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I/2024; Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới