SP học hỏi nhiều kinh nghiệm, thay đổi cách làm khi triển khai dự án tại tỉnh Trà Vinh

         Đây là phát biểu của đại diện Dự án SP (Samaritan’s Purse) tại Hội nghị tổng kết “Dự án sinh kế Trà Vinh” năm 2023 (tổ chức ngày 26/3/2024). SP đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các dự án nước sạch và nuôi bò tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2021, mỗi dự án kéo dài 12 tháng.

         Dự án sinh kế Trà Vinh (hỗ trợ nuôi bò), triển khai tại huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải và huyện Càng Long. Sau 3 năm, tổng số bò hỗ trợ cho người dân là 220 con bò cái giống. Hiện, đàn bò vẫn còn được duy trì nuôi 184 con (83,64%), hầu hết bò mẹ đang mang thai lứa thứ nhất và lứa thứ hai; đã có 83 bê sinh ra (45,11%). Một số bò hao hụt do bò bị bệnh, chết, không lên giống, phối giống nhiều lần không đậu,… Ngoài hỗ trợ bò giống, Dự án còn hỗ trợ các tập huấn kỹ thuật, quản lý tài chính, hỗ trợ trồng rau nhà lưới, nuôi trùn quế, trồng cỏ, ủ phân,…

         Những kinh nghiệm, thay đổi cách làm của Dự án tại Trà Vinh, đó là:

        - “Lấy ngắn nuôi dài”, do đối tượng nhận hỗ trợ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và nguồn lực thường hạn chế. Năm đầu tiên, Dự án hỗ trợ bò giống, trồng cỏ và xây dựng chuồng trại. Tuy nhiên, để có nguồn thu nhập từ nuôi bò cần phải thời gian dài, nên không thể giải quyết được sinh kế hàng ngày của người dân. Thấy được vấn đề, Dự án đã điều chỉnh, bổ sung thêm các hỗ trợ khác (như trồng màu) nhằm tạo thu nhập thường xuyên cho người dân trước khi có thu nhập từ nuôi bò.

        - Cải thiện môi trường chăn nuôi, để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cùng với hỗ trợ xây dựng chuồng, Dự án thiết kế đưa vào hỗ trợ ủ phân, nuôi trùn quế. Phân sau ủ, phân từ nuôi trùn quế làm phân bón rất tốt cho cây trồng; trùn quế được sử dụng để nuôi cá, nuôi gia cầm. Điều này vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.

anh tin bai

Lớp tập huấn hướng dẫn ủ rơm bằng urê có được từ điều chỉnh hoạt động Dự án

         - Mạnh dạn đầu tư dự án mới xuất phát từ nhu cầu người dân và thực tế của địa phương, đó là dự án nuôi ong lấy mật tại xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè. Xã Ninh Thới có diện tích cây ăn trái lớn, rất thích hợp để phát triển nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, SP chưa có bất cứ dự án nào về nuôi ong lấy mật. Tại Trà Vinh, đây cũng là dự án hoàn toàn mới, lần đầu tiên triển khai. Đã có rất nhiều băn khoăn, lo ngại từ Dự án, từ nhà tài trợ của Dự án, của cơ quan chuyên môn tại tỉnh và ngay cả địa phương. Nhưng đến nay, hiệu quả từ nuôi ong lấy mật đã chứng minh Dự án đầu tư đúng. Từ 14 thùng ong hỗ trợ, các hộ có nguồn thu bán mật khoảng 2-4 triệu/tháng. Điều quan trọng, người dân năng động hơn trong việc tìm kiếm - kết nối thị trường, thường xuyên gặp gỡ trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các hộ nuôi, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng tại địa phương.      

         - Thay đổi cách làm, nếu như các dự án trước, bò giao cho từng hộ nuôi, thì dự án năm 2023 thay đổi cách làm. Bò được giao theo nhóm tổ hợp tác, mỗi tổ hợp gồm 3-5 thành viên cùng chăm sóc, nuôi dưỡng chung số bò. Vượt qua những khó khăn ban đầu tưởng như “phải bỏ cuộc”, đến nay họat động của các tổ hợp tác vẫn được duy trì tốt. Theo các thành viên, thì chăm sóc bò theo tổ hợp tác “khỏe hơn nhiều”. Nếu bò nuôi tại từng hộ, thì hộ phải chăm sóc bò hàng ngày; vào tổ hợp tác thì 2-3 ngày mới đến lượt chăm sóc bò một lần. Để duy trì tổ hợp tác, thành viên phải đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau. Để có sự đoàn kết và tin tưởng thì mọi hoạt động của tổ phải minh bạch, Dự án đã làm rất tốt điều này. Việc phát triển nuôi bò theo tổ hợp tác còn góp phần từng bước hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung tại địa phương.

anh tin bai

Giao và nhận ong tại xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè

 

         - Song song hỗ trợ về vật chất là hỗ trợ về tinh thần, năm 2023, Dư án điều chỉnh bổ sung thêm hoạt động chưa có từ các dự án trước, đó là “tham quan, giao lưu, học tập giữa các nhóm”. Đã có nhiều sẻ chia giữa thành viên của các nhóm, các thành viên cho rằng qua giao lưu, họ có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm từ các nhóm khác, làm thay đổi cách suy nghĩ để tin tưởng vào sự thành công.

Nhờ thay đổi cách làm, Dư án đã và đang phát triển bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo theo báo cáo của các địa phương - trong nhóm hộ nhận hỗ trợ của Dự án giảm rõ rệt, đạt theo một trong những mục tiêu ban đầu của Dự án. Các đoàn khách và nhà tài trợ đến thăm mạnh trong năm 2023, từ đó truyền thông của Dự án mở rộng hơn và Dự án có sự thuận lợi hơn khi kêu gọi tài trợ cho các dự án tiếp theo.

         Trong giai đoạn sắp tới, Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ đa dạng các dự án hơn, không chỉ “gói gọn” về nước sạch hay về nuôi bò. Dự án có thể thiết kế mở rộng thêm các dự án sinh kế giáo dục, dự án bảo vệ trẻ em, dự án đi xa an toàn và các dự án theo đề xuất của cộng đồng, của địa phương, kể cả những nhu cầu của địa phương nhưng chưa được đáp ứng mà dự án có thể hỗ trợ. Thời gian dự án sẽ là 36 tháng thay vì 12 tháng như các dự án đã qua. Địa điểm hỗ trợ, dự án tập trung vào ít huyện thay vì nhiều huyện, mục đích cuối cùng là tạo sự “bứt phá” để hỗ trợ cải thiện đời sống người dân địa phương được tốt hơn và mang tính bền vững.

         Cũng tại Hội nghị tổng kết, Dự án “có lời đề nghị các địa phương, tổ/nhóm, cá nhân “hiến kế” về nội dung hỗ trợ và các hoạt động của Dự án trong thời gian tới. Và, đây cũng chính là “cơ hội” để Dự án được “đồng hành” lâu dài với tỉnh Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân.

 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới