Nâng cao chất lượng hoạt động chuyển giao khoa học và kỹ thuật trong nông nghiệp

         Vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trên địa bản tỉnh Trà Vinh” (ngày 11/8/2023). Hội thảo đã nhận được 12 báo cáo tham luận của sở, ban, ngành và các trường Đại học, Cao đẳng trong tỉnh. Về lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT gửi đến Hội thảo báo cáo tham luận: “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyển giao KH&KT trên đia bàn tỉnh”. Thời gian qua, hoạt động phối hợp chuyển giao KH&KT giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Liên hiệp các Hội KH&KT luôn được duy trì, tăng cường qua các cuộc hội thảo, hội thi sáng tạo KH&KT, cộng tác viết tin, bài. Từ đó, tiến bộ KH&KT, công nghệ mới, chính sách nông nghiệp, kinh nghiệm, mô hình sản xuất hiệu quả được chuyển giao, ứng dụng kịp thời và lan tỏa sâu, rộng hơn.

Máy xay thức ăn chăn nuôi hộ gia đình, sản phẩm dự thi sáng tạo KH&KT
 do Liên hiệp các Hội KH&KT tổ chức

         Theo báo cáo, năm 2022, sản xuất lương thực của tỉnh đạt >2,4 triệu tấn, giá trị sản xuất toàn ngành 31.096 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,07%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%. Toàn tỉnh có 85/85 xã đạt nông thôn mới, trong đó 38 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh công nhận và tái công nhận 132 sản phẩm OCOP, nâng tổng số >180 sản phẩm, trong đó, 3 sản phẩm đạt 05 sao. Công nhận 12 cơ sở VietGAP, nâng tổng số toàn tỉnh có 42 cơ sở; đã cấp 25 mã số vùng trồng, vùng nuôi. Thực hiện chuyển đổi >3.200 ha đất trồng lúa, trồng mía sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, nâng tổng số >25.000 ha. Chuyển đổi nuôi thủy bán thâm canh, thâm canh 1.100 ha; duy trì nuôi tôm sinh thái-rừng, lúa-thủy sản >10.700 ha. Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, như: Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm Biogas xử lý môi trường; Trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng, tưới nước nhỏ giọt; Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa; Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao áp dụng phân vi sinh, tưới nhỏ giọt, điều khiển bằng điện thoại thông minh,... Về chuyển đổi số, đã và đang thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực thủy lợi, thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y, rừng và nhất là, 100% giấy phép liên quan đến ngành nông nghiệp được thực hiện qua hành chính công. 

Cây Bình Linh (giống mới), trồng và sử dụng hệ thống tưới tự động,
 làm thức ăn cho gia súc tại huyện Trà Cú

         Những năm tới, một số nhiệm vụ chính trong chuyển giao KH&KT nông nghiệp, đó là: (1) Phát triển nông nghiệp 4.0, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp định hướng thành các ngành công nghệ cao trên nền tảng các hệ thống được kết hợp với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Hình thành hệ thống các trang trại thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng gắn truy xuất nguồn gốc. Đẩy nhanh ứng dụng Internet vạn vật (IoT), hệ thống cảm biến, robot để thu thập theo thời gian thực dữ liệu phục vụ sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa trong các công đoạn sản xuất. (2) Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. (3) Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến nông giai đoạn 2023-2025 và các chương trình, dự án đầu tư cho công tác khuyến nông. Khuyến khích sử dụng giống mới, đa dạng hóa đối tượng và loại hình sản xuất, áp dụng tiến bộ KH&KT để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với cơ chế thị trường và đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

         Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động chuyển giao KH&KT nông nghiệp cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, áp dụng KH&KT, công nghệ vào thực tiễn. Kịp thời sửa đổi, điều chỉnh bổ sung và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách mới, trong đó cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho những nghiên cứu KH&KT, công nghệ tạo ra những đột phá, hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp. Khắc phục những tồn tại về chuyển giao KH&KT, công nghệ trong thời gian qua. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình phát triển KH&KT, công nghệ của địa phương và nhu cầu của học viên. Hai là, xác định trọng tâm chuyển giao KH&KT, công nghệ trong đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề cấp thiết, bức xúc của ngành để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, không đầu tư dàn trải. Phải coi trọng cả hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, nhất là phải đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và mang tính bền vững trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Kịp thời giới thiệu những nhân tố mới, yếu tố mới về nghiên cứu, ứng dụng KH&KT, công nghệ vào thực tiễn. Ba là, vai trò chủ động của cơ sở sản xuất cần phải chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng KH&KT, công nghệ vào thực tiễn sản xuất trên cơ sở nhân lực, vốn, trang thiết bị hiện có và chính sách hỗ trợ. Từ đó, lựa chọn công nghệ sản xuất cho phù hợp, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đề xuất nội dung chuyển giao KH&KT với ngành chức năng (chiều dọc) và chuyển giao KH&KT giữa các cơ sở (chiều ngang). Bốn là, liên kết sản xuất và đầu ra sản phẩm đẩy mạnh mô hình liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Nhà nước phải thể hiện vai trò quan trọng của mình đó là tạo điều kiện để 3 nhà còn lại liên tốt với nhau, tạo cơ chế giải quyết những vướng mắc giữa các nhà (nếu có). Và năm là, tiếp tục tăng cường sự hợp tác các hoạt động chuyển giao KH&KT không chỉ riêng giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh.

Văn Đoái

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới