Dự án “Hệ thống nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

         Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, viết tắt là CMR. Tỉnh Trà Vinh là một trong 5 tỉnh được dự kiến triển khai (5 tỉnh gồm: Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, và Kiên Giang). Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp làm chủ Dự án. Thời gian thực hiện Dự án trong 6 năm (dự kiến khởi động từ năm 2024). Tổng vốn Dự án là 48 triệu đô la (Mỹ) bao gồm viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng của các địa phương. Mục tiêu xuyên suốt của Dự án nhằm xây dựng và thực thi các chính sách thúc đẩy các hành động khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Kết quả được kỳ vọng là quá trình xây dựng, liên kết và thực thi chính sách được thúc đẩy; tăng cường phối hợp chính sách ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh.

anh tin bai
Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp giới thiệu Dự án
 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngày 22/3/2024

         Dự án gồm 4 hợp phần:

         - Hợp phần 1: Tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mục tiêu, số lượng cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được hỗ trợ thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu; số người sử dụng thông tin về khí hậu hoặc thực hiện các hành động giảm thiểu rủi ro; số đơn vị/tổ chức được cải thiện năng lực đánh giá hoặc giải quyết các rủi ro do biến đổi khí hậu; nguồn lực (số tiền) huy động từ các quỹ cộng đồng/tư nhân/công nhằm mục đích khí hậu. Kết quả được kỳ vọng của Hợp phần 1, các cá nhân và tổ chức được tăng cường năng lực phân tích và phản ứng với các rủi ro khí hậu; các mô hình sinh kế chống chịu biến đổi khí hậu, kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai và các mạng lưới an toàn được cải thiện

         - Hợp phần 2: Tăng cường quản lý và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Mục tiêu, diện tích (ha) các hệ sinh thái tự nhiên tại ĐBSCL được bảo tồn, phục hồi và quản lý; số người được nhận các đồng lợi ích về sinh kế (bằng tiền hoặc dưới hình thức khác); số người được tập huấn về quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và/hoặc bảo tồn đa dạng sinh học. Kết quả được kỳ vọng của Hợp phần 2, công tác quản lý các khu bảo tồn được tăng cường; phạm vi của các khu bảo tồn được mở rộng; gia tăng diện tích đa dạng sinh học và diện tích các hệ sinh thái quan trọng được bảo tồn mà không nằm trong các khu bảo tồn.

         - Hợp phần 3: Giảm phát thải khí mê-tan thông qua các thực hành nông nghiệp bền vững, phát thải thấp. Mục tiêu, số lượng (triệu tấn) CO2 tương đương được giảm thiểu, ngăn ngừa, cô lập; diện tích (ha) đất được chuyển sang sản xuất các loại cây trồng bền vững, phát thải thấp; số người áp dụng các thực hành nông nghiệp nghiệp phát thải thấp, chống chịu biến đổi khí hậu; tỷ lệ (%) tăng giá trị doanh thu hàng năm của các sản phẩm chống chịu với khí hậu, phát thải thấp. Kết quả được kỳ vọng của Hợp phần 2, các hệ thống canh tác lúa, cây ăn trái và thủy sản được áp dụng các thực hành phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu; gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phát thải thấp. 

anh tin bai
Thảo luận với các sở, ban, ngành, địa phương thu thập dữ liệu cho Dư án, ngày 28/3/2024

         - Hợp phần 4: Hỗ trợ tăng cường năng lực và hiệu quả trong xây dựng và triển khai các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL.

         Các đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Dự án, đó là: (1) Các bên tham gia trong các chuỗi giá trị, bao gồm nông dân, lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp được tăng cường năng lực sản xuất trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Về lâu dài, có thể duy trì mức sản xuất và giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với thu nhập và đời sống. (2) Phụ nữ và người dân tộc thiểu số, cộng đồng dễ bị tổn thương được hỗ trợ để nâng cao năng lực chống chịu biến đổi khí hậu thông qua việc tham gia và hoạt động nâng cao năng lực, củng cố các kỹ năng với tư cách là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm, hội quán hoặc người nông dân sản xuất. Từ đó, cơ hội việc làm cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện. (3) Chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương cũng sẽ được hưởng lợi từ Dự án, thông qua việc nâng cao năng lực; chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại đa bên để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.

         Để triển khai, thực hiện Dự án, trong hai ngày 22/3 và 28/3/2024 Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp đã đến làm việc tại tỉnh Trà Vinh và tổ chức họp/thảo luận với các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương để giới thiệu và thu thập dữ liệu cho Dự án. Mục đích, nhằm xác định các chuỗi giá trị phát thải thấp tiềm năng; xác định ưu tiên đối với ngành hàng tiềm năng của tỉnh. Kết quả, bước đầu đã xác định được các chuỗi, ngành hàng ưu tiên của tỉnh, gồm lúa gạo, tôm, dừa. Các chuỗi, ngành hàng nghêu, rau màu, cây ăn trái sẽ được xem xét sau khi thành viên Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp tiến hành khảo sát và có kết quả thu thập dữ liệu thực tế tại các sở, ban, ngành, địa phương (dự kiến khảo sát vào đầu tháng 5/2024).

 

 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới