Quản lý an toàn thực phẩm thủy sản khi xuất khẩu sang Trung Quốc

         Ngày 15/8/2022, tại Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị “Xuất khẩu thủy sản thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248Lệnh 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-Cov2", do Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu tổ chức.

Quang cảnh hội nghị

         Báo cáo tại Hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết Lệnh 248, 249 được phía Hải quan Trung Quốc ban hành 12/4/2021, có hiệu lực 01/01/2022, nội dung chủ yếu liên quan các yêu cầu chung trong lĩnh vực quản lý, giám sát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu,…Đối với sản phẩm thủy sản, bao bì trong và ngoài phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung/tiếng Anh và ngôn ngữ của nước xuất khẩu (khu vực), nội dung thể hiện rõ quốc gia (khu vực), xuất xứ, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất và lô sản xuất; bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật như nơi sản xuất (tỉnh, thành phố), nơi đến, ngày sản xuất, hạn sử dụng hay nhiệt độ bảo quản,…

         Trong quá trình giám sát thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu, nếu phát hiện thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu không dán nhãn tiếng Trung hoặc nhãn không tuân theo quy định, pháp luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc sẽ buộc tiêu hủy hoặc trả lại.  Bên cạnh đó, Trung Quốc triển khai công tác kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 trên sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, nếu phát hiện dương tính với Sars-CoV2, phía Trung Quốc tiến hành phân loại, phân cấp xử lý. Tùy theo tính chất, áp dụng biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hủy bỏ đăng ký tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp,...

         Theo ông Lê Thanh Hòa (Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam), trong những năm vừa qua Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định tự do với Trung Quốc, đây được xem là hiệp định rất quan trọng thúc đẩy thương mại, thực phẩm giữa hai nước. Trong lĩnh vực thủy sản, sản phẩm thủy sản việc triển khai xuất sang Trung Quốc thuận lợi nhiều hơn so với các ngành hàng khác khi Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 bởi hệ thống giám sát an toàn thực phẩm đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản hai nước đã có sự công nhận về cơ bản là tương đương nhau. Thông qua đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) kiểm tra đánh giá chứng nhận cho các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cung cấp danh sách cho Trung Quốc cập nhật danh sách các doanh nghiệp được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, khi áp dụng Lệnh 248, 249 việc triển khai giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc được tiến hành rất chặt chẽ, nếu vi phạm thì ngay lập tức họ có thể cấm các doanh nghiệp ta xuất khẩu qua đó.

         Để duy trì xuất khẩu hàng thủy sản sang Trung Quốc một cách bền vững, thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và Trà Vinh nói riêng cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định; nghiên cứu kỹ quy định, hướng dẫn có liên quan của thị trường Trung Quốc. Chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu Trung Quốc để tuân thủ đúng các quy định trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản về chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 đối với sản phẩm.

           (Chi tiết Lệnh 248, 249 tại http://www.nafiqad.gov.vn/quy-dinh-cua-trung-quoc-cap-nhat-lenh-248-249-thay-the-lenh-145-ve-dang-ky-cong-nhan-va-quan-ly-co-so-san-xuat-che-bien-dong-goi-van-chuyen-thuc-pham-nuoc-ngoai-cap-nhat-tai-lieu-huong-dan-dang-ky-su-_t221c313n334)

    Sơn Sâm Phone

 

Tin mới