Một số khó khăn khi thâm nhập thị trường Halal

         Halal, nghĩa là được phép sử dụng. Theo luật Hồi giáo, thực phẩm/sản phẩm Halal không được phép sản xuất, vận chuyển, lưu kho trong một nhà máy hay dây chuyền sản xuất thực phẩm Haram. Toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm Halal phải tách biệt với các sản phẩm không Halal. Các nguyên liệu từ động vật, bắt buộc phải có chứng nhận Halal của nguyên liệu đó. Phải có người Hồi giáo tham gia quản lý sản xuất các sản phẩm Halal,...

         Haram, nghĩa là bị cấm, không được phép sử dụng. Như, động vật không được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo. Động vật chết; động vật trên cạn ăn thịt, có răng nanh, móng vuốt; động vật sống lưỡng cư. Rượu, bia các chất gây say,…

Heo (và sản phẩm có nguồn gốc từ heo) là một trong những sản phẩm Haram

         Sản phẩm không xác định được Halal hay Haram thì người Hồi giáo sẽ không sử dụng. Chứng nhận Halal là bằng chứng cho việc sản phẩm không bị nhiễm hoặc sau các công đoạn chế biến có thành phần là các chất cấm Haram. Chứng nhận Halal còn chứng minh về chất lượng sản phẩm được đảm bảo và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại thực phẩm là Halal trong tự nhiên chưa qua chế biến, như: Trái cây tươi, rau củ quả tươi, các chất vô cơ trong tự nhiên (muối),...

         Thông tin tại Hội nghị tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 28/6/2022, cho biết, tỷ lệ người đạo Hồi chiếm khoảng hơn 24% dân số thế giới và dự báo tăng lên 30% vào năm 2050. Chi tiêu cho thực phẩm Halal tăng 3,1%, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Do vậy, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu được đánh giá có tiềm năng to lớn, đầy triển vọng, nhất là về các sản phẩm nông lâm thủy sản mà Việt Nam đang có thế mạnh.

Một Quy trình chứng nhận Halal (Nguồn: Tài liệu Hội nghị)

         Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn khi thâm nhập thị trường Halal, đó là: Các nước chưa có bộ tiêu chuẩn Halal chung. Hiện có hơn 200 tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục không thống nhất. Đây là trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm Halal của doanh nghiệp; Khác biệt về tôn giáo, văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng, đồng thời Tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn; Doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, tham gia vào thị trường Halal còn hạn chế và bị cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực; Doanh nghiệp thiếu thông tin về sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal cũng như các quy định, yêu cầu để có thể thâm nhập sâu vào thị trường Halal thế giới; Việt Nam và các đối tác trong khu vực chưa ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác riêng biệt về sản phẩm Halal, cũng như chưa có cơ quan quản lý thống nhất, cơ chế, chính sách, chiến lược về phát triển ngành công nghiệp Halal như các nước khác, kinh phí xúc tiến thương mại dành riêng cho ngành công nghiệp và các sản phẩm Halal còn hạn chế.

         Theo ý kiến các diễn giả tại Hội nghị, trong thời gian tới, để khắc phục khó khăn, cần khuyến khích các tổ chức cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận Halal của các nước. Có Bộ tiêu chuẩn chung của Việt Nam về sản phẩm Halal và cơ quan quản lý thống nhất tiêu chuẩn Halal, chứng nhận Halal. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực Halal. Thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đặc điểm tôn giáo, văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng, quy định của các nước Hồi giáo về quản lý và phê duyệt chứng nhận Halal; những tiêu chuẩn và quy trình cần tuân thủ, áp dụng trong quá trình sản xuất để được cấp giấy chứng nhận Halal. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal giúp các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện nghiên cứu, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng phù hợp hơn với từng thị trường Hồi giáo.

 

Văn Đoái

Tin mới