Các Sở, ngành gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022

         Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 09/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác đến các địa phương gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (doanh nghip). Thành phần, gồm: Ông Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp, làm Trưởng đoàn và các thành viên thuộc Sở Tư pháp, cùng đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Thời gian từ ngày 06-08/4/2022. Mục đích để kịp thời triển khai các hoạt động pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách, kịp thời thông tin về pháp luật; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đảm bảo tính chủ động, thống nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp và bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND Tp phố Trà Vinh,
chủ trì gặp gỡ doanh nghiệp tại Tp Trà Vinh, ngày 08/4/2002

         Qua gặp gỡ doanh nghiệp tại các huyện Trà Cú, huyện Tiểu Cần, huyện Châu Thành, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh, nổi lên 03 vấn đề chính như sau:

        Thứ nhất, doanh nghiệp không biết gặp ai, gặp cơ quan nào để phản ánh những khó khăn, vướng mắc. Đây là nội dung phản ánh của nhiều doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã có Hiệp hội Doanh nghiệp đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước, nhưng đến nay chỉ có huyện Châu Thành, huyện Trà Cú và huyện Càng Long thành lập được Chi hội Hiệp hội Doanh nghiệp. Công ty Phượng Tùng Anh (huyện Tiểu Cần), cho rằng Hiệp hội Doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cần có người/bộ phận thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp để phản ánh đến cơ quan chức năng. Từ đó, cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt và có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động. Cụ thể, Công ty Phượng Tùng Anh gặp vướng mắc về quyết toán thuế điện tử và nhu cầu được nâng cấp đường điện từ 1 pha lên 3 pha, nhưng không biết phản ánh ở đâu. Công ty Minh Nhựt (thành phố Trà Vinh) không thực hiện được chữ ký số để báo giá, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động; đề nghị cần kênh để cho doanh nghiệp thường xuyên tiếp cận, cập nhật thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Đối với Hợp tác xã lúa gạo Trà Vinh (Châu Thành) gặp trở ngại trong tiếp cận các chính sách; đề xuất địa phương cần giao ngành chuyên môn nghiên cứu các chính sách và phổ biến cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cần có cán bộ theo sát các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.  

         Doanh nghiệp không biết gặp ai, gặp cơ quan nào để phản ánh những khó khăn, vướng mắc, nên thường gặp vấn đề thứ haikhông tiếp cận được văn bản. vậy, Hợp tác xã Phương Đông (thị xã Duyên Hải), mới thành lập hai năm, vướng vào khoản thuế bắt buộc phải nộp, do chưa được hướng dẫn và cũng không biết văn bản quy định. Hoặc, Hợp tác xã An Thới (huyện Trà Cú), hiện tại không có giám đốc, nhưng không biết luật cho phép hợp tác xã có thể thuê mướn người đáp ứng đủ điu kiện về làm giám đốc hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần) đề xuất hỗ trợ đất xây dựng trụ sở, nhưng theo quy định mới thì nội dung này không còn áp dụng.

Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần) đề nghị,
 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cần có chính sách đặc thù về miễn thuế, giảm thuế,...
                          cho từng ngành hàng cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp     

         Và cuối cùng, do doanh nghiệp không biết gặp ai, gặp cơ quan nào để phản ánh những khó khăn, vướng mắc, không tiếp cận được văn bản, doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động. Phản ánh nhiều nhất của doanh nghiệp gặp khó khi quyết toán qua mạng, xuất hóa đơn điện tử trình độ công nghệ còn có hạn, quy trình thực hiện quyết toán thuế thường xuyên thay đổi; chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế chưa rõ ràng, thủ tục nhiêu khê, bất cập trong thu thuế thu nhập cá nhân. Tiếp đến về đất đai, thủ tục thường phức tạp, kéo dài, doanh nghiệp tốn nhiều thời gian đi lại nhưng việc giải quyết của các cơ quan còn chậm hoặc bị ách tắc. Thiếu vốn cũng là ý kiến phản ánh của hầu hết doanh nghiệp, đối với hợp tác xã thì thiếu vốn đầu tư sản xuất và không thể vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp; doanh nghiệp thì thiếu vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ. Đáng chú ý có hai doanh nghiệp không tuyển được lao động phải kiến nghị địa phương hỗ trợ quảng bá, giới thiệu hoặc tổ chức cho doanh nghiệp gặp gỡ người lao động.

         Cũng qua gặp gỡ lần này còn cho thấy giữa các doanh nghiệp chưa có sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động. Ngay cùng một địa phương, cùng lĩnh vực, doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm nhưng không tìm được nguồn cung, ngược lại doanh nghiệp khác lại “vất vả” tìm kiếm khách hàng. Không ít doanh nghiệp còn trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước. Đã có doanh nghiệp thẳng thắng cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì bản thân phải tự nỗ lực vươn lên, không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước thì doanh nghiệp khó mà “lớn được, tự chủ được. Chỉ nên xem sự hỗ trợ của nhà nước là thêm cơ hội tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển.

 

Văn Đoái

Tin mới