Một số quy định khi tham gia Hiệp định RCEP

         Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - viết tắt là RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) ký giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) với 05 nước đối tác bên ngoài ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản

do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Tp. Cần Thơ năm 2021

         Về thuế quan, Hiệp định RCEP là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 05 đối tác trong một hiệp định FTA. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải sử dụng một quy tắc xử sự thay vì năm bộ quy tắc xử sự riêng ở các FTA trước đây, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Khi Hiệp định có hiệu lực có ít nhất 64% số dòng thuế bằng 0 (không). Sau 15-20 năm, Việt Nam xóa bỏ khoảng 85,6-90,3% số dòng thuế cho các nước (ASEAN là 90,3%, Australia và New Zealand là 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%, Trung Quốc là 85,6%). Các nước đối tác xóa bỏ cho Việt Nam trong khoảng 90,7-92% số dòng thuế. Riêng các nước ASEAN sẽ xóa bỏ cho Việt Nam trong khoảng 85,9-100% số dòng thuế.

         Đối với cam kết an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật (SPS), các nước tuân thủ các nguyên tắc của cam kết trong SPS, trong đó minh bạch và căn cứ cơ sở khoa học trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp SPS; thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực và tham vấn kỹ thuật nhằm giải quyết các vướng mắc về SPS; cam kết này không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP nhưng sẽ rà soát lại sau khi Hiệp định có hiệu lực được 2 năm.

         Các quy tắc về thủ tục hải quan, chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các nước tuân thủ quy định chung về đơn giản hóa, minh bạch hóa, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo tính dễ dự đoán và nhất quán trong việc áp dụng các luật và quy định hải quan; thúc đẩy quản lý hiệu quả các thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

         Khi tham gia khu vực tự do thương mại và các chuỗi cung ứng mới, đặc biệt với bộ quy tắc xuất xứ hài hòa, thuận lợi hóa thương mại, chúng ta thiết lập được thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài; thu hút đầu tư trực tiếp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cũng có những thách thức đó là việc gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng với chúng ta; nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu tạo ra hạn chế trong việc tham gia vào các chuỗi sản xuất.

         Để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia RCEP cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các qui định FTA về lộ trình cắt giảm thuế, cách tính nguồn gốc xuất xứ và quy định của các nước đối tác để tận dụng được những ưu đãi; tăng cường xúc tiến, quảng bá về sản phẩm trên thị trường nước ngoài, tạo niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm, các kênh báo chí, truyền hình, qua mạng internet,… Tái cơ cấu doanh nghiệp và các ngành hàng theo hướng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến, xúc tiến sản phẩm và liên kết trong phân phối. Gắn kết và thường xuyên trao đổi thông tin với các Bộ, ngành, các đầu mối quốc gia về các vấn đề chuyên môn như SPS, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các hiệp hội ngành hàng đại diện cho doanh nghiệp, đảm bảo việc thực thi và tận dụng hiệu quả Hiệp định này.

 

         Nguồn:

(1)     Hiệp định RCEP và các quy định thị trường thành viên.

(2)     Tiềm năng thương mại nông sản thị trường EVFTA+RCEP.

         (Tài liệu hội nghị trực tuyến phổ biến các quy định cam kết an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và yêu cầu SPS tại thị trường Trung Quốc do Văn Phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 02/12/2021).

 

Sơn Sâm Phone

Tin mới