Hội nghị thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản

         Để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao năng lực, công nghệ chế biến và thúc đẩy phát triển thị trường nông sản, ngày 27 và 28/4/2021 tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021. Tham dự hội nghị còn có đại diện các bộ ngành trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và trên 150 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản của cả nước.

Quang cảnh hội nghị

         Báo cáo tại hội nghị, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay cả nước có 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ, mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản. Thông tin tại hội nghị cho thấy, những năm qua mặc dù sản xuất nông nghiệp của cả nước đã có sự phát triển vượt bật, đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng tiềm năng của ngành nông nghiệp vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tiêu thụ nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn; công nghiệp chế biến, chế biến sâu, công nghiệp bảo quản của nhiều ngành hàng chưa được quan tâm và phát triển; nhiều loại nông sản như rau quả của nước ta chỉ tiêu thụ dạng tươi nên tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch tương đối cao, tỉ lệ gia tăng của sản phẩm chế biến còn thấp,...

         Hội nghị cũng chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thị trường xuất khẩu hiện đã có nhiều thay đổi, nếu sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì không đảm bảo xuất khẩu. Do đó, việc tìm ra các giải pháp nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy phát triển thị trường nông sản là vấn đề quan trọng cần giải quyết.

         Đối với Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp và 6.539 cơ sở/hộ gia đình tham gia trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, tổng giá trị sản xuất 3.270 tỷ đồng, hàng năm các doanh nghiệp và cơ sở/hộ gia đình tiêu thụ khoảng từ 10-25% sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cũng được các cấp các ngành quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia các cuộc hội chợ triễn lãm trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, hỗ trợ đưa các nông sản của tỉnh vào thị siêu thị Co.oop Mart Trà Vinh, quýt đường Long Trị vào thị siêu thị Co.oop Mart Cần Thơ, tôm càng xanh tham gia cung ứng vào hệ thống SaTraFood thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn,... Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản chủ lực luôn được quan tâm đầu tư, thời gian qua đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ 104 nhãn hiệu, gồm 23 nhãn hiệu tập thể, 81 nhãn hiệu độc quyền và 9 sáng chế, giải pháp hữu ích góp phần tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản tỉnh nhà và thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập kinh tế.

         Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ, manh mún, phân tán, chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, khó xây dựng được thương hiệu sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn,… Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn ít, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, và các kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa còn nhiều hạn chế.  Công tác xúc tiến thương mại, chưa giới thiệu được nhiều sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh ra bên ngoài, chưa gắn kết tốt với các siêu thị, thị trường có tiềm năng ở các tỉnh, thành trung tâm. Khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường,... còn yếu, chưa định hướng tốt cho sản xuất, từ đó nông dân thiếu an tâm nên chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. 

         Để công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản trong thời gian tới có hiệu quả cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn chỉnh cơ chế, chính  sách để huy động các nguồn lực đầu tư vào kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, liên kết, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng hệ thống thông tin thị trường hiện đại, liên thông, cập nhật đầy đủ các quy định đối với thị trường tiêu thụ và cán bộ làm công tác thông tin thị trường phải được đào tạo chuyên sâu, có khả năng phân tích và dự báo chính xác về thị trường.

Sơn Sâm Phone

Tin mới