Xử lý phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi

         Với mục tiêu hướng dẫn các nội dung cần thiết trong thu gom, sử dụng, xử lý phụ phẩm cây trồng trên cơ sở các quy định của pháp luật về Trồng trọt và Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại. Và, để thực hiện Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng, Cục Trồng trọt vừa ban hành Tài liệu hướng dẫn thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng.

         Có 03 nguyên tắc thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng, đó là: Phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý bảo đảm không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông; không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại. Thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng theo nguyên tắc phân loại tính chất, theo qui mô thôn, nhóm nông hộ hoặc qui mô hợp tác xã. (và) Thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng dựa trên các quy định liên quan của Luật trồng trọt và Luật Bảo vệ môi trường, các thông tư, nghị định, quyết định của các bộ ngành liên quan.

Thu gom rơm bằng phương pháp thủ công
 trước khi máy cuộn rơm phổ biến như hiện nay

 

         Tài liệu hướng dẫn 10 quy trình xử lý phụ phẩm cây trồng, trong đó, lĩnh vực chăn nuôi có 03 quy trình: Quy trình kỹ thuật ủ rơm bằng ure làm thức ăn cho trâu bò, Quy trình ủ lá sắn (lá khoai mì) làm thức ăn chăn nuôi và Quy trình ủ chua thân ngô (thân bắp) làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Đối với địa bàn tỉnh, đây không phải là những quy trình hoàn toàn mới, vì các quy trình đã được chương trình, dự án và cơ quan chuyên môn giới thiệu, hướng dẫn cho người chăn nuôi từ nhiều năm qua. 

         Quy trình kỹ thuật ủ rơm bằng urê làm thức ăn cho trâu bò, để bổ sung thêm đạm và làm mềm rơm. Công thức ủ (cho 100 kg rơm), có 2-5 kg urê, 0,5 kg muối ăn và 90-100 lít nước sạch, khác với công thức ủ thường phổ biến trước là không sử dụng muối ăn hoặc dùng vôi bột trong một số công đoạn xử lý rơm. Về cách thức tiến hành, hình thức ủ, thời gian, yêu cầu chất lượng rơm sau ủ, bảo quản rơm thành phẩm, phương pháp tập cho trâu, bò ăn không khác biệt so với quy trình trước. Tài liệu hướng dẫn cũng lưu ý người chăn nuôi phải cho trâu, bò uống đủ nước khi sử dụng thức ăn rơm ủ urê, không cho trâu, bò ăn urê trực tiếp.

Ủ rơm bằng urê làm thức ăn cho bò
 (trong Dự án Heifer tại xã Bình Phú, huyện Càng Long)

         Quy trình ủ lá sắn (lá khoai mì) làm thức ăn chăn nuôi, đây là hình thức ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò. Ủ lá khoai mì không thật sự phổ biến và ít được người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quan tâm. Do, diện tích trồng khoai mì của tỉnh không nhiều (khoảng 600 ha) và người chăn nuôi chưa có thói quen sử dụng lá khoai mì làm thức ăn cho trâu, bò. Về công thức ủ: 100 kg lá khoai mì tươi, 5 kg cám gạo hoặc bột khoai mì, bột khoai và 0,5 kg muối ăn. Dùng hố hoặc túi ni lon để ủ, thời gian ủ 7-10 ngày. Lá khoai mì ủ chua thành công sẽ có màu vàng và thơm như dưa cải. Ban đầu tập trâu, bò ăn ít rồi tăng dần lên. Sau mỗi lần lấy cho trâu, bò ăn phải buộc chặt miệng túi ni lon hoặc đậy kín hố ủ tránh không khí lọt vào làm hư hỏng.

Tập huấn ủ rơm bằng urê sử dụng túi ni lon tại xã Đôn Châu (huyện Trà Cú)

         Quy trình ủ chua thân bắp làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò, đây cũng là một hình thức ủ chua, dự trữ thức ăn cho bò vào những thời điểm khan hiếm thức ăn, có thể thay thế thân bắp bằng cỏ voi. Công thức ủ: 100 kg cây bắp/vỏ trái bắp tơi đã phơi héo, 4 kg cám gạo, 4 kg bột khoai mì, 5-10 kg rỉ mật đường, 0,5 muối ăn và 10-20 lít nước sạch. Lưu ý, thân cây bắp phải được cắt nhỏ, phơi héo trước khi ủ. Dùng hố hoặc túi ni lon để ủ, thời gian ủ khoảng 8 tuần và có thể bảo quản trong 6 tháng. Sau mỗi lần lấy cho trâu, bò ăn phải buộc chặt miệng túi ni lon hoặc đậy kín hố ủ tránh không khí lọt vào làm hư hỏng. 

Ủ chua cỏ voi

         Các quy trình xử lý phụ phẩm cây trồng còn lại của Tài liệu hướng dẫn: Quy trình làm nấm rơm, Quy trình thu gom và sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phụ phẩm sau trồng nấm, Quy trình xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng làm phân bón hữu cơ, Quy trình làm phân hữu cơ bằng men ủ vi sinh, Quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý vỏ cà phê sau chế biến ướt thành phân hữu cơ sinh học, Quy trình xử lý rác hữu cơ trong sản xuất rau bằng chế phẩm vi sinh vật thành phân bón hữu cơ và Quy trình sản xuất than sinh học.

         Trong xây dựng nông thôn mới, việc áp dụng các nội dung hướng dẫn thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng, bao gồm xử lý phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, sẽ hỗ trợ rất hữu ích cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (tiêu chính số 17.7. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện môi trường) và xây dựng huyện nông thôn mới (tiêu chí số 7.3. Có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên). Đồng thời, còn góp phần tăng cường sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn trong nông nghiệp.

 

Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới