Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

         Hiện nay du lịch nông thôn là lợi thế của du lịch Việt Nam, không chỉ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn giúp tạo việc làm cho người dân, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Du lịch nông thôn được nhiều địa phương đầu tư, góp phần làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp ngành du lịch xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngày 12/10/2022, Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ký Quyết định số 05/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

         Đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Du khách tham quan du lịch Cồn Chim, xã Long Hòa, huyện Châu Thành.

         Tại Trà Vinh Là tỉnh có nhiều ưu thế, tiềm năng về du lịch, đặc biệt là sinh thái, cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, thời gian qua, Trà Vinh đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã đạt được những kết quả tích cực, có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, có nhiều địa danh nổi tiếng: Danh thắng ao Bà Om, biển Ba Động, Du lịch cộng đồng Cồn Chim, Cồn Hô…Tỉnh cũng có nhiều cù lao, cồn nổi ven biển. Hệ sinh thái đa dạng tạo cho tỉnh nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào, nhiều đặc sản ngon. Bên cạnh đó, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

         Xác định đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua, Trà Vinh tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch nông thôn. Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, tỉnh cũng quan tâm đến hoạt động phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; đồng thời hình thành các khu sinh thái nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ngày 10/6/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025, theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 5 nội dung, bao gồm:

         - Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình đầu tư làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, gồm: (1) Hỗ trợ hộ gia đình đầu tư xây dựng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); phòng nghỉ tại trang trại, nông trại (farmstay) để phục vụ khách du lịch; (2) Hỗ trợ hộ gia đình chỉnh trang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, xây dựng không gian đón khách để tham gia chuỗi du lịch cộng đồng; (3) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian phục vụ khách du lịch; (4) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, khôi phục nghề truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng; (5) Hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch, khu du lịch hoặc tại các nơi có kết nối đón và phục vụ du khách; (6) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch

          - Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư dự án xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm, hàng OCOP của tỉnh Trà Vinh.

         - Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch, gồm: (1) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện thủy nội địa vận chuyển trên 20 khách du lịch trở lên; (2) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện giao thông thô sơ (phương tiện tham gia giao thông đơn giản, không sử dụng động cơ) để vận chuyển khách du lịch phục vụ tại các khu, điểm du lịch được công nhận trong tỉnh; (3) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm xe điện để vận chuyển khách du lịch.

          - Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên.

          - Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lãi suất vay ngân hàng để đầu tư phát triển du lịch.

Du khách chụp hình lưu niệm tại du lịch Cồn Chim, xã Long Hòa, huyện Châu Thành.

         Những chính sách hỗ trợ đã tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực, giúp thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch tỉnh. Tỉnh đã đầu tư xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh đã góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới chung của toàn tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng chuyển biến rõ rệt. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, trong thời gian tới, Trà Vinh sẽ chủ động liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố về du lịch trong cả nước. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh; huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, nhất là đối với các loại hình du lịch nông thôn, homestay…; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm OCOP, các đặc sản vùng miền để phục vụ du khách tham quan.

         Đến nay, toàn tỉnh có 06/9 đơn vị cấp huyện (huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh) được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 96,47%; 27 xã nông thôn mới nâng cao; có 628/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp nông thôn mới (trong đó có 32 ấp nông thôn mới kiểu mẫu), 03 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2022, 2023 và phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Nguyễn Thị Mỹ Hương

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới