Các vấn đề cần thực hiện Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

         Ngày 08/9/2022, ông Dương Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần NetPlus đã có buổi trao đổi với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trong đó, có chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên chuyển đổi số. Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu từng lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, phát triển nông thôn,… và một số ứng dụng trong việc chuyển đổi số, như: Ứng dụng Block chain truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Sổ tay điện tử cho ngươi nông dân; Ứng dụng công nghệ IoT cho việc quản lý điều tiết tưới nước; App ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ trong phòng chống thiên tai; Ứng dụng quản lý diều hành hợp tác xã,…

Ông Dương Văn Tuấn (bìa phải) trao đổi về Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

 

         Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ xóa đi sự “mù mờ” của cơ quan quản lý, xuất xứ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Có một thực tế việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung và từng lĩnh vực cụ thể còn rời rạc. Nhân lực cho chuyển đổi số thiếu và yếu về chuyên môn. Hầu hết các lĩnh vực đều đã có những cơ sở dữ liệu nhất định nhưng chưa được tích hợp, cập nhật thường xuyên và rất khó tiếp cận để khai thác sử dụng. Bên cạnh đó là các tồn tại, hạn chế về thu hút đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn ít, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản chưa đáp ứng nhu cầu,…

         Có 04 vấn đề cần thực hiện chuyển đổi số, gồm: (1) Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, (2) Xây dựng kế hoạch ứng dựng công nghê thông tin, (3) Đánh giá các khó khăn đang gặp phải và (4) Lên kế hoạch chuyển đổi số theo lộ trình. Ông Dương Văn Tuấn cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu. Để khắc phục thực trạng hiện nay về triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, các đơn vị phụ trách từng lĩnh vực phải có sự chủ động; căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương, của địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số và đề ra những giải pháp cụ thể. Nhất là, cần phải có những chuyên gia hỗ trợ đối với từng giải pháp.

         Trước đó, ngày 05/9/2022, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cùng đại diện Trung tâm ICAFIS, Dự án tổ chức WWF tại Việt Nam và các thành viên đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Thủy sản-Làm vườn, Chi cục Thủy sản về dự án đầu tư nhà máy chế biến nghêu với công suất thiết kế 10 ngàn tấn/năm, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã nghêu trên địa bàn tỉnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số,…

Ông Nguyễn Hồ Nguyên (bìa phải), làm việc tại Trà Vinh

 

         Theo cơ quan chuyên môn, Trà Vinh có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi nghêu. Diện tích nghêu tập trung tại huyện Châu Thành, huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải. Có 7 hợp tác xã nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích thả nuôi khoảng trên 1.000 ha. Năm 2021, thả nuôi 463 ha, sản lượng thu hoạch 1.054 tấn; 8 tháng năm 2022, thả nuôi 120 ha, sản lượng thu hoạch 1.230 tấn. Theo kế hoạch đến 2025 và 2030, tổng diện tích thả nuôi khoảng 3.000-3.300 ha, sản lượng thu hoạch 5.500-9.500 tấn.

Nghêu thuộc loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Viêt Nam đã xuất khẩu đến hơn 67 thị trường trên thế giới chiếm 73% tổng kim ngạch của mặt hàng nhuyễn thể. Năm 2021, cả nước có khoảng trên 15.720 ha nuôi nghêu, sản lượng đạt 190.000 tấn, năng suất 11,82 tấn/ha. Nghêu được nuôi chủ lực tại Bến Tre, Trà Vinh, Nam Định, Tiền Giang, Bạc Liêu, Thanh Hóa (Nguồn: Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam).

         Dự kiến, nếu được đầu tư và khi đi vào hoạt động, ngoài tiêu thụ nghêu của tỉnh Trà Vinh nhà máy còn mở rộng địa bàn tiêu thụ nghêu ra các tỉnh lân cận. Vì vậy, sẽ hỗ trợ rất lớn để phát triển nghề nuôi nghêu không chỉ của tỉnh Trà Vinh mà cả bao gồm Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới